HÀ NỘI

(024) 3 941 1891/2 - 0914 863 466

ĐÀ NẴNG

(023) 6 396 7776 - 091 608 2128

HỒ CHÍ MINH

(028) 6261 1177 - 0909 171 388

Tâm sự của những ứng viên du học khi Đề án 322 đã bị dừng

Sau khi có thông tin Đề án 322 – chương trình học bổng đào tạo cán bộ tại nước ngoài của bộ Giáo dục và Đào tạo kết thúc, các bạn sinh viên thuộc diện du học theo Đề án 322 đều đang rất bức xúc khi con đường học hành của mình bỗng dưng bị “bỏ ngỏ”, chơi vơi.

Đề án “đùng một cái” bị tạm dừng!
Đề án 322 là diện học bổng đi học bằng ngân sách Nhà nước. Thông tin mới nhất từ Bộ GD&ĐT, Bộ sẽ tạm thời dừng giải quyết thủ tục cho ứng viên trúng tuyển đi học ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước theo Đề án 356 (322). Hiện tại, theo một chuyên viên của Cục đào tạo với nước ngoài (Bộ GD&ĐT), trong khi chưa có đề án mới để tiếp nối hoặc thay thế đề án 356 (322) về đào tạo cán bộ bằng ngân sách Nhà nước được Chính phủ phê duyệt và cấp kinh phí thực hiện thì sẽ tạm dừng giải quyết các thủ tục mới.
Theo đó, những ứng viên đã được Bộ phê duyệt trúng tuyển học bổng ngân sách Nhà nước theo đề án 356 (322) nhưng chưa được đi học nước ngoài sẽ được xử lý theo hai hướng: ứng viên nghiên cứu thông tin tuyển sinh trên các website để xác định chương trình học bổng cụ thể do Bộ chủ trì theo diện học bổng hiệp định, học bổng nước ngoài cấp cho Việt Nam năm 2012-2013 phù hợp với nguyện vọng thì liên hệ với Cục Đào tạo với nước ngoài để được sắp xếp đi học ngay trong năm học.
Các bạn ứng viên: con đường dang dở và ngổn ngang trước mắt
Đề án 322 bị dừng mang đến nỗi thất vọng cho tất cả các bạn ứng viên, đặc biệt là những bạn dự định sẽ đi vào mùa thu tới đây. Sau hơn một năm, đến bây giờ hầu như mọi thủ tục, mọi quá trình chuẩn bị của các bạn ấy đã xong xuôi, một số bạn đã nhận được thư tiếp nhận từ các trường ở Pháp, Mỹ, Canada rồi, thì Đề án 322 đột ngột thông báo dừng cấp học bổng. Điều này đã đẩy các bạn ứng viên vào tình trạng những đối tượng bị “bỏ rơi”.
Quỳnh Trang (sinh viên Đại học Ngoại Thương, Hà Nội) tâm sự: “Bộ đưa ra cho chúng tớ hai phương án giải quyết: Một là đăng kí đi học bổng dạng hiệp định của các nước như Maroc, Bungary, Cuba, Hungary, Nga và phải đưa ra quyết định trước ngày 1/6. Điều này là hoàn toàn không thể vì thời gian quá gấp gáp, hơn nữa đó ko phải là nguyện vọng ban đầu của bọn tớ, và vấn đề ngoại ngữ để theo học ở các nước này cũng ko hề đơn giản. Thứ hai, chúng tớ phải chờ thêm 1 năm nữa để được phê duyệt đề án mới bổ sung kinh phí rồi mới được đi, lúc đó đã quá thời gian nhập học các trường bên kia, mà hơn thế nữa, đã lỡ hai năm học đại học rồi, làm sao đợi được nữa?”
Khi sự việc được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng, có một số ý kiến đã cho rằng các bạn ấy đi học rồi toàn ở lại, không về nước, gây lãng phí tốn kém cho Nhà nước. Nhưng sự thật hoàn toàn không phải là như vậy, tất cả các bạn ứng viên du học đều muốn đi học tập, trau dồi kinh nghiệm từ những nước tiến bộ để sau này về dựng xây đất nước. “Thế nhưng, hiện tại chúng tớ đang ở trong tình cảnh bị bỏ rơi. Nếu được thông báo từ đầu thì không sao, nhưng bây giờ sát đến lúc được đi, việc học tập ở trường đã được bảo lưu xong hết, đột ngột chúng tớ bị “cho ở lại”, đúng là “dở khóc dở mếu” luôn”, một ứng viên du học chia sẻ.
Có rất nhiều trường hợp ứng viên tiêu biểu, như bạn Đoàn Thị Vĩnh Hạnh – sinh viên xuất sắc của Trường ĐH Y – Dược Huế, nhận được học bổng du học Pháp theo nguồn ngân sách Nhà nước (Đề án 322). Hạnh vui sướng xin bảo lưu kết quả học tập tại Trường ĐH Y – Dược Huế và lặn lội từ trong Quảng Trị ra Hà Nội thuê trọ, học ôn ngoại ngữ rất vất vả (bạn chỉ có 6 tháng để học tiếng Pháp), để chờ ngày du học. Thế nhưng, quyết định dừng đề án 322 của Bộ Giáo dục và Đào tạo như “gáo nước lạnh” dội vào Hạnh và gia đình bạn. “Khi mình đã hoàn thành được tất cả các chứng chỉ theo yêu cầu của Bộ chỉ chờ ngày lên đường thì lại nhận được quyết định này. Mình thật sự bị sốc, bức xúc, thất vọng và thấy xấu hổ với bố mẹ, bạn bè…”, Hạnh tâm sự.
Hay như cô bạn Phan Phương Thảo (Buôn Mê Thuật – Đắc Lắc) sinh viên ĐH Luật Hà Nội, nhận được quyết định du học Pháp theo Đề án 322 khi đang là sinh viên năm nhất. Sau khi kết thúc năm học đầu tiên tại Trường ĐH Luật Hà Nội, Thảo đã xin bảo lưu để chuyên tâm vào việc học ôn ngoại ngữ và tham gia các khóa học bồi dưỡng các kỹ năng ngắn hạn khác với mục đích chuẩn bị hành trang tốt nhất để du học. Đến thời điểm hiện tại, Phan Phương Thảo đã nhận được thư mời nhập học của Trường ĐH Lyon (Pháp) và thi được chứng chỉ ngoại ngữ theo yêu cầu của Bộ chỉ chờ ngày lên đường du học. Thế nhưng, quyết định dừng Đề án 322 của Bộ đã khiến Thảo vô cùng sốc.
Thảo bức xúc: “Trong quá trình em học ôn ngoại ngữ để thi chứng chỉ, mình đã nghe được những thông tin trái chiều về việc có thể kinh phí cho Đề án 322 không đủ và bọn mình sẽ gặp trở ngại cho việc du học. Nhưng lúc đó, mình vẫn tin tưởng vì mình được nhận quyết định du học đàng hoàng từ Bộ. Nhưng đến thời điểm này, khi mà mình đã đi gần đến đích sau bao cố gắng, nỗ lực và hy vọng, mình thấy mất niềm tin hoàn toàn rồi…”
Lá thư gửi mẹ xúc động của một ứng viên
Chúng tớ đã nhận được lá thư này từ một bạn ứng viên đang trong tình cảnh trớ trêu này. Đọc thư này, chúng tớ thấy rất xót xa trước hoàn cảnh của bạn ấy.
“Mẹ,
Lúc này con mà nói câu này với mẹ thì chỉ có lẽ toàn là nước mắt thôi, thế nên mẹ ơi, điều đầu tiên, con xin lỗi là vì cả câu nói đó con cũng ko nghĩ mình có thể chịu đựng đươc để nói ra.
Lúc ba mẹ li dị thì con còn bé xíu, mẹ nhỉ? Con ko hiểu được những trận đòn roi mà mẹ khiếp hãi, con ko hiểu được những nhọc nhằn trên đôi vai Người để nuôi nấng, 1 đứa 3 tuổi, 1 đứa 1 tuổi với 2 bàn tay trắng. Ngày ra đi, có lẽ mẹ cũng không nghĩ mẹ con mình có thể sống tốt đến vậy, phải ko mẹ? Con xin lỗi vì suốt tuổi thơ con chỉ biết ngơ ngác nhìn mẹ khóc mỗi đêm, chỉ biết lật những trang nhật kí thấm đẫm nước mắt của mẹ với sự tò mò con trẻ. Con xin lỗi vì con đã không bảo vệ được mẹ trước sự hắt hủi của “đại gia đình”. Đơn giản, mình nghèo, nên người ta cũng khinh mẹ con mình. Ngày ấy, mẹ vất vả, cô độc, chịu đựng đến mức trầm cảm và phát bệnh. Gần 3 tuổi và 6 tháng xa mẹ, đứa bé là con đã hiểu được không có mẹ thì khổ thế nào. Không ai yêu con như mẹ cả. Tâm thần phân liệt – đó là cụm từ con ghi nhớ từ bé mà chẳng hiểu nổi ý nghĩa. Một chứng bệnh vĩnh viễn không khỏi được, chỉ là bình thường mẹ vui vẻ sẽ không sao. Con vẫn còn mang cái kí ức khủng khiếp hồi lớp 5, lúc mẹ rơi vào trạng thái không nhận thức, chỉ uống thuốc, rồi ngủ, rồi vuốt má con, ánh mắt yêu thương dù rằng con biết mẹ không nhận ra mình. Con xin lỗi vì nỗi đau đớn luôn là một mình Người gánh chịu. Vậy nên, hai đứa con, lúc nào cũng cố gắng để ngoan ngoãn, để mẹ vui lòng. Con biết mẹ tự hào về con, ánh mắt lấp lánh niềm vui của mẹ mỗi lúc đi họp phụ huynh về khiến con tự nhủ mình phải cố gắng.
Ngày con nhận giấy báo của ĐH Y dược, mẹ tự hào lắm, gặp ai mẹ cũng khoe con gái mẹ rất ngoan, rất giỏi. Rồi niềm vui được nhân lên khi giữa đêm khuya, con run run gọi điện cho mẹ: Mẹ ơi, con đậu rồi, học bổng 322 đi Pháp, con đậu rồi mẹ ạ. Lúc nhận thông báo, con thực ra không hạnh phúc và tự hào bằng cái lúc mẹ hứa với con sẽ làm việc ít đi, nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân nhiều hơn. Mẹ, con và anh phấn khởi vì sẽ chỉ còn có 1 đứa, mẹ bớt đi bao nhiêu nhọc nhằn. Một lúc nuôi 2 đứa học đại học, nhà người ta thuận vợ thuận chồng còn kham không nổi, huống hồ nhà mình chỉ có mỗi mẹ lo toan. Con thì có cả cái niềm vui rất tầm thường khác, là cuối cùng mẹ con mình cũng ngẩng cao đầu trước những người đã chà đạp chúng ta từ lúc con còn thơ bé.
Ngày con ra Hà Nội, vì thông báo chỉ cách ngày nhập học 1 ngày nên mẹ con mình phải đi máy bay. Con vẫn nhớ, niềm vui trong ánh mắt mẹ, lúc mẹ cười và bảo: “Ôi, nhờ con gái mà mẹ được đi máy bay rồi, mẹ cứ sợ lên đó sẽ rung lắc và say chứ, không ngờ thoải mái vậy, nhanh ghê con nhỉ, mới đó mà đã tới”. Con đã cười và trêu mẹ: “Mẹ tập dần đi, bay sang Pháp thăm con sẽ không nhanh vậy đâu”. Con tự nhủ với mình, nhất định, sẽ cố gắng thật nhiều để sau này tuổi già mẹ được đi những nơi mẹ muốn, sống vui vẻ khỏe mạnh, bù cho những năm tháng cực nhọc của đời người.
Cứ ngỡ đã có thể khiến mẹ yên lòng. Nhưng thực tế thì chi phí cho con sống ở Hà Nội, cộng thêm khoản phí học thêm ngoại ngữ để kịp lấy chứng chỉ, gấp đôi chi phí của anh Hai trong Sài Gòn. Thực tế thì gần 2 năm qua mẹ sống trong nỗi lo của con. Mẹ căng thẳng còn hơn con khi thời điểm thi ngoại ngữ đến gần, mẹ lo lắng khi con chọn trường rồi phỏng vấn, lo lắng khi con ngày ngày vẫn chưa có kết quả trả lời của trường ĐH bên đó. Hơn nữa mẹ dạo này còn đau khớp, u xơ, tuần hoàn máu não kém… Chưa kể chứng trầm cảm của mẹ dăm bữa lại tái phát. Con xin lỗi vì chỉ biết nhìn mẹ đau đớn mà không làm được gì. Chỉ biết động viên người đợi con vài năm nữa, để con hoàn thành cái bằng dược sĩ ở Pháp “Y học ở đó tiên tiến lắm, mẹ thấy người ta chuộng thuốc Pháp thế nào rồi mà, học xong con sẽ cấp thuốc miễn phí cho mẹ, ko lo thuốc đắt đâu, mẹ ko cần tiếc tiền, mẹ sẽ hết đau, mẹ nhỉ?”
Ngày có thông báo được nhận ở trường ĐH bên đó, mẹ con mình vui như ngày con đậu ĐH 2 năm trước. Vậy mà 10 ngày sau Bộ thông báo cắt học bổng. Một là chuyển nước, hai là đơn phương rút lui. Bàng hoàng, con vẫn lo thi không được ngoại ngữ, không phỏng vấn tốt, không được nhận, con chưa bao giờ nghĩ là không có học bổng để đi. Vốn dĩ học bổng là điều đầu tiên con có. Chuyển nước là điều không thể với con, con không thể phí hoài thêm 1 năm nữa. Con có thể hi sinh tuổi trẻ, nhưng mẹ liệu có đợi được con? Hơn nữa, đi du học là để học tốt hơn, chứ đâu hẳn cứ du học cho có du học, mẹ nhỉ? Con xin lỗi mẹ, con biết ở lại sẽ làm mẹ nặng gánh hơn, nhưng con không đủ niềm tin để tiếp tục dấn thân vào 1 đất nước con không yêu, không chút quan tâm với thứ ngôn ngữ con không chút hứng thú để học, và trình độ đào tạo chắc chắn không so sánh được với Pháp. Con cần kiến thức chứ không cần những thứ phù phiếm đó. Lần này, con lại ích kỉ cho bản thân con, con xin lỗi mẹ.
Hơn một năm của niềm tin, hi vọng và những nỗ lực. Và một thông báo tước đi tất cả. Con chỉ còn đủ niềm tin để bắt đầu lại tất cả bên mẹ. Rất khó khăn, rất nhiều áp lực, nhưng con biết trong lúc này con không có quyền suy sụp. So với mẹ, chút thử thách này có là gì đâu. Nhưng con xin lỗi, vì đã khiến mẹ thêm nhọc nhằn, khiến mọi lời hứa, vỡ tan như bọt nước. Con xin lỗi vì chính con lại gây thêm 1 nỗi đau trong đời mẹ. Con xin lỗi, xin lỗi mẹ…”
Theo: Kenh14






     

    Hoặc liên hệ Hotline:

    • AMEC Hà Nội  (024)39411 891 – 39411890 – 39411892 hoặc 0914 863 466
    • AMEC Đà Nẵng    (02)36 396 7776 hoặc 0916 082 128
    • AMEC Hồ Chí Minh  (028) 6261 1177 – 6261 1188 – 6261 1199 hoặc 0909 171 388

    Facebook: https://www.facebook.com/toididuhoc



    Phản hồi

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    (*)

    Có thể bạn quan tâm:

    Tin du học nổi bật

    Tin du học Mới Nhất

    Đăng ký tư vấn miễn phí