Chuyện du học ở Việt Nam giờ như một thứ mốt, một làn sóng, có thể được coi là một hiệu ứng khá hiệu quả của các trung tâm tư vấn du học nói riêng, cũng như các trường đại học nước ngoài muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam thông qua hình thức du học nói chung.
Đọc chuyên đề về du học của TTCT vừa qua, tôi nghĩ đến những câu chuyện mang tên “ước mơ du học”… Khi chưa mấy trưởng thành, tôi cũng từng mong muốn một ngày nào đó sẽ được bố mẹ cho đi du học với suy nghĩ rằng tôi sẽ danh giá hơn các bạn trong nước nếu mang danh “du học sinh”; tôi sẽ có một môi trường học tập hiệu quả hơn so với nền giáo dục Việt Nam còn quá đỗi nặng nề; với tấm bằng ở nước ngoài, tôi sẽ dễ dàng kiếm được một công việc với mức lương cao (nếu trở về nước)… mà hoàn toàn không nghĩ đến những hệ lụy. Sau này, khi thấy những câu chuyện có thật về du học, suy nghĩ của tôi đã hoàn toàn thay đổi.
Điển hình là câu chuyện hai người con gái sinh đôi của cô tôi. Họ rất ngoan, chịu học và học khá giỏi, đều thi đậu vào một trường đại học công lập Việt Nam. Họ học được một năm ở đây thì cô tôi nghe lời khuyên của một người bạn thân về việc nên cho con sang nước ngoài học. Qua những lời “marketing” hấp dẫn, khá thuyết phục, lại thêm phong trào du học lúc bấy giờ đang ở giai đoạn đầu – mới mẻ và rầm rộ, cô tôi quyết định cho cả hai chị em du học tại một trường cao đẳng cộng đồng ở Úc (lẽ dĩ nhiên những học sinh đi du học tự túc đều chọn trường tư, vì những trường công không hề dễ dàng để có một “chân” nếu bạn không thật sự xuất sắc mà chỉ giỏi… tầm tầm).
Dù gia đình không mấy khá giả nhưng cô cũng đã xoay xở và dự tính sẵn những phí tổn cho quá trình học của cả hai đứa con bằng cách bán căn nhà ba tầng ở quận 12 với giá hơn 2 tỉ đồng. Nhưng “người tính không bằng trời tính”, học được hơn một năm thì cô em phải trở về với lý do rất chung chung là “ngành học không có trường để chuyển tiếp”. Cô tôi phải chạy chọt, xin cho con vào làm tạm ở một khách sạn tại quận 1 với công việc dọn phòng… Cô chị hiện vẫn trụ lại, chuyển sang học ngành hộ lý, vì nghe đâu ngành đó sẽ giúp người học dễ tìm việc và định cư tại Úc sau khi tốt nghiệp.
Thực chất, thành công hay thất bại của một du học sinh thì chẳng ai hiểu rõ, ngoại trừ người trong cuộc. Các phụ huynh luôn có tâm lý “tốt khoe, xấu che”, nếu con mình thành công nơi xứ người thì cả làng xóm, họ hàng đều biết, nhưng nếu con “giữa đường đứt gánh” thì chẳng ai muốn kể ra. Những cái cớ như khí hậu không phù hợp, sức khỏe không tốt… sẽ giúp khỏa lấp sự thật về những vấn đề tế nhị hơn như tiền bạc hoặc con mình không theo kịp việc học.
Khi đã tìm hiểu kỹ chuyện du học, tôi quyết định… tạm gác chuyện du học sang một bên. Tôi tự khẳng định bản thân bằng cách tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học 2011 vừa qua.
Với số điểm nhận được, tôi hoàn toàn tự tin mình sẽ đậu vào ngôi trường cũng như ngành học mình đã chọn và sẽ nỗ lực để đạt kết quả thật tốt trong hai năm học ở đây, với hi vọng tôi có thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe cho cơ hội chuyển tiếp học hai năm cuối sang Anh.
Tôi nghĩ rằng các bạn trẻ chỉ nên du học khi chứng tỏ mình hoàn toàn có đủ năng lực: săn học bổng dựa vào chính sức học của mình; hoặc cố gắng đáp ứng những yêu cầu nơi ngôi trường bạn đang theo học cho các chương trình liên kết vào hai năm cuối.
Hoặc liên hệ Hotline:
- AMEC Hà Nội (024)39411 891 – 39411890 – 39411892 hoặc 0914 863 466
- AMEC Đà Nẵng (02)36 396 7776 hoặc 0916 082 128
- AMEC Hồ Chí Minh (028) 6261 1177 – 6261 1188 – 6261 1199 hoặc 0909 171 388