Lúc trẻ, họ có khát vọng cho con đi du học để đổi đời. Khi con cái thành đạt và sống kiểu Tây cũng là lúc cha mẹ già thấm thía sự cô độc.
Tôi đã xa con
“Hơn mười năm trước đây, tôi cũng như bao bà mẹ khác, rất hãnh diện khi con được ra nước ngoài học đại học. Nhưng bây giờ, khi đứa con gái duy nhất lấy chồng nước ngoài và ở luôn quê chồng, tôi mới thấy hụt hẫng và hiểu rằng chính tham vọng của mình đã giết chết mình”.
Đó là tâm sự của một người mẹ cô đơn, dốc hết của cải và sức lực cho con đi học để bớt nỗi tủi hổ sau khi ly dị chồng.
Kiều Chinh, con gái chị, du học đại học ở Anh 4 năm. Nơi đó, Chinh quen và yêu một chàng người Pháp cùng lớp. Chinh thấp, đen nhưng chàng người yêu thì cao to, trắng trẻo, học giỏi. Ai gặp cũng bảo sao Chinh may mắn kiếm được anh chàng “hay” thế. Sau khi cả hai cùng tốt nghiệp, Chinh và chàng trai đã cưới nhau và về Pháp để làm việc.
Chinh cho biết: “Em vừa đen, vừa xấu lại rất cá tính. Thú thực là kiểu người như em rất khó lấy chồng Việt Nam, nhưng Tây lại thích. Thế nên, em chọn chồng Tây và dễ dàng sống, làm việc ở nước ngoài hơn vì học đại học xong thì em đã quen với lối sống ở châu Âu rồi. Hơn nữa, chồng em làm việc ở Pháp thuận lợi hơn nhiều, công việc của anh ấy ở Việt Nam không kiếm được”.
Thế nên, mặc dù rất thương mẹ, Chinh cũng không thể quay về. Mẹ Chinh đã đến tuổi khó hòa nhập với môi trường mới vì đã quen với cuộc sống ở Hà Nội. Sang Pháp chơi nửa tháng là bà không chịu nổi vì con đi làm suốt ngày, cháu đi mẫu giáo, ở nhà buồn nẫu cả người vì không có ai nói chuyện. Chinh cười buồn buồn: Mẹ bảo em là vì cho em đi du học, mẹ coi như đánh mất em. Giờ đây cô đang kiếm thêm công việc để đi đi về về Việt Nam thăm mẹ, nhưng thời buổi khủng hoảng hiện nay, tìm được công việc như thế rất khó khăn.
Phong cách sống…xa
Trong căn nhà có vườn khá rộng rãi trên phố cổ, tách biệt hẳn với không gian buôn bán sầm uất bên ngoài, bà Quyên (71 tuổi) đang nằm co quắp một mình trong bóng tối. Những bữa ăn chỉ là vài miếng giò, miếng thịt đã chế biến sẵn mà hàng xóm mua hộ, và một nồi cơm cắm ăn cho cả ngày.
Quả thật, nếu có một bữa cơm ngon hơn, có lẽ bà cũng khó nuốt trong cái khung cảnh đìu hiu thế này. Đã hơn 15 năm nay, anh Ngọc, người con trai duy nhất của bà, dù không hề có xích mích gì với mẹ, một năm chỉ về thăm mẹ khoảng hơn chục lần, dù tất cả đều ở ngay cái đất nội thành Hà Nội này. Anh là tiến sĩ tốt nghiệp ở Pháp, người đàn ông mẫu mực, hiện đang là “sếp” ở một viện nghiên cứu tầm cỡ. Anh xa mẹ đi học từ năm 19 tuổi.
Bà Quyên cố ra giọng lạc quan nhưng không giấu được khóe mắt ngấn lệ: Hồi đầu, nó còn bảo tôi đi tìm các thú vui mà chơi cho đỡ cô đơn, ở Tây họ sống độc lập, con cái cũng có cuộc sống riêng, nên nó không muốn ở cùng mẹ.
Và vì thế, theo lời bà, thì anh Ngọc cũng hầu như chẳng bao giờ gợi ý hoặc ép vợ con phải về thăm, chăm sóc hoặc chia sẻ với bà. Vợ anh, con anh có thể đi chơi tennis, đi dã ngoại, đi khiêu vũ, đi nghỉ mát… nhưng không nhất thiết phải thăm hỏi người đã sinh ra anh.
Bà Quyên cho rằng sự thay đổi này của con có nguyên nhân từ hơn 10 năm học ở Pháp, từ đại học, rồi cao học và tiến sỹ. Khi du học trở về, anh nhìn thế giới xung quanh khác hẳn, cách nhìn có phần thông thoáng hơn. Đặc biệt, anh đề cao tính cá nhân, riêng tư của mỗi người. Mọi ý kiến của mẹ, anh đều thẳng thắn nêu chính kiến của bản thân, khác hẳn trước kia, giả sử mẹ có nói gì không vừa lòng, anh cũng im lặng, không cãi.
“Nếu vợ nó không muốn về với mẹ chồng thì nó không ép, nếp sống ở Tây nó thế, rất tôn trọng cá tính của nhau… Thỉnh thoảng, một mình nó về ăn với mẹ bữa cơm rồi lại đi. Tết vừa rồi, cả nhà nó cũng chỉ về chơi, biếu mẹ ít tiền, ít quà chứ không ở nhà. Còn bánh chưng, giò chả… thì lại là đứa bạn thân của nó sắm cho” – bà nói.
“Xem trên ti vi, tôi thấy người già ở nước ngoài thường có nhiều thú vui ngoài con cái. Họ có thể đi dã ngoại, đi chơi, hoặc thậm chí vào trại dưỡng lão… Nhưng người Việt mình thì trông mong hết vào con, nên về già hay đòi hỏi ở con. Khi nó không chiều chuộng, yêu thương mình như mình mong muốn thì bị phẫn uất…” – bà lí giải một cách lí trí về tình cảnh của mình.
Xã hội Việt Nam sẽ đến ngày “Tây hóa”?
Tại một vũ trường cổ điển ở Hà Nội, chúng tôi đã gặp hội những bà mẹ có con đi du học.
Nhóm người này có một quan điểm khác hẳn về lối sống gia đình truyền thống. Chiều nào, họ cũng đi khiêu vũ hai tiếng rồi mới về nấu cơm cho cả nhà ăn.
Chị Hằng, một phụ nữ vừa bước vào độ tuổi hồi xuân khẳng định: Tôi thấy đời sống đô thị bây giờ phân hóa rõ rệt: một xu hướng thích gắn bó với con cái, một xu hướng là tự do cá nhân.
Chị cho hay, việc con du học thì sớm muộn gì cũng sống theo lối Tây. “Tôi cũng sẵn sàng chấp nhận điều đó vì gia đình tôi, ai cũng có cuộc sống riêng. Chồng thì thích tenis, vợ thích khiêu vũ, con đi học thì sẽ chọn cách sống độc lập, thích sống theo ý nó mà không phải chiều chuộng ai cả. Giờ ai cũng mệt mỏi, chả lẽ người này cứ níu người kia theo một lối sống thì khó sống lắm”.
Chị Quyên, giám đốc một công ty tư vấn du học cho biết: Là người cũng từng đi du học, tôi hiểu rằng chọn lối sống ra sao chính là do ý muốn của mỗi gia đình, không phải cứ đi du học là sẽ sống kiểu Tây, là cá nhân, là cô độc. Đi Tây mà chọn lọc cái hay của họ mà học, giữ cái hay của mình mà theo thì làm gì có những số phận bất hạnh. Có khổ chăng, là người ta khổ vì tham vọng của mình, vì tâm lý sính ngoại.
Nếu các bậc cha mẹ phương Tây dễ dàng chấp nhận việc con cái rời khỏi nhà, sống độc lập khi chúng trưởng thành, thì ở Việt Nam lại rất khác. Tâm lí “trẻ cậy cha, già cậy con” đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người. Chấp nhận cho con đi du học, những ông bố, bà mẹ Việt Nam có sẵn sàng để con rời xa khỏi vòng tay của mình, để chúng trưởng thành và có suy nghĩ độc lập? Hoặc thậm chí, chấp nhận những rủi ro khi có sự chênh lệch khó dung hòa giữa nếp sống và cá tính của nhau?
Theo Vietnamnet.vn
Hoặc liên hệ Hotline:
- AMEC Hà Nội (024)39411 891 – 39411890 – 39411892 hoặc 0914 863 466
- AMEC Đà Nẵng (02)36 396 7776 hoặc 0916 082 128
- AMEC Hồ Chí Minh (028) 6261 1177 – 6261 1188 – 6261 1199 hoặc 0909 171 388