Tôi đặt chân tới nước Úc vào một sáng sớm mùa hè tháng Giêng. Trên đường từ sân bay về Student Village của Murdoch University (Perth, WA), có rất nhiều bãi rộng lớn xếp đầy xế hộp sáng loáng dưới cái nắng chói chang. Lúc đó, tôi thầm nghĩ “sao ở đây có nhiều nhà máy sản xuất ô tô thế, chắc đó là các bãi xếp xe sau khi xuất xưởng, giống như sân nhà máy GM Deawoo ở Hà Nội”. Một vài ngày sau khi lang thang khắp nơi, tôi mới phát hiện ra mình thật “quê độ”, bởi đó là chỉ các bãi đỗ xe bên cạnh mỗi khu vực làm việc. Cũng từ đấy ý tưởng mua một chiếc xe riêng để chạy nảy ra trong đầu tôi.
Bước đầu tiên để hiện thực kế hoạch đó là phải lấy được giấy phép lái xe. Tham khảo thông tin về thầy dạy lái và học phí tại Perth, tôi quyết định chọn một ông thầy người Việt với mức giá 45 đô la cho mỗi giờ học (rẻ hơn khá nhiều so với học phí của thầy người Úc, 60 đô la/giờ). Điểm đầu tiên hấp dẫn tôi đó là cách dạy lái xe ở Úc rất thực tế, mọi bài học đều diễn ra ngay trên xe và trên đường, không phải trên mô hình. Rồi ngày thi cũng tới, cảm giác hồi hộp, lo lắng không khác gì khi đi thi đại học. Sau 30 phút lái xe với giám khảo ngồi bên cạnh, kết quả quả là tôi “Trượt”. Kể từ đó tôi mới biết rằng thi lái xe ở Úc không hề dễ ngay cả với người dân bản xứ. Ông giáo sư hướng dẫn của tôi phải thi hai lần; con trai của ông thi bốn lần; thậm chí có một số đồng hương người Việt tại Perth còn thi hơn chục lần mà vẫn chưa đỗ. Quả là một con số quá ấn tượng; cũng từ đó tôi thấy cái sự thi trượt của mình không có gì đáng phải “hổ thẹn” cả. Nhưng sau lần đó tôi cũng nhận ra rằng người Úc đặc biệt coi trọng yếu tố an toàn khi chạy xe. Các phần thi lái không chỉ đòi hỏi người thi “thuộc luật”, mà còn yêu cầu họ có khả năng chạy xe một cách thông thạo, an toàn và không gây cản trở giao thông. Tôi có một anh bạn cùng trường Murdoch, từ khi bước lên xe thi tới khi về tới cổng bãi đậu xe, mọi thứ diễn ra rất thuận lợi và anh ấy nghĩ mình đã cầm chắc bằng lái trong tay, nhưng sau khi đậu xe vào bãi, giám khảo chấm thi đã sửa từ chữ “Yes” sang “No” trong phần kết luận có cấp bằng không trên tờ giấy chấm thi. Ông giám khảo sau đó nói rằng anh ấy đã chạy rất tốt, nhưng khi đậu xe lần cuối, anh ấy đã đậu hơi sát chiếc xe bên cạnh, và điều này có thể gây trầy xước cho xe đó nếu anh ấy mở cửa. Bạn sẽ chắc chắn bị trượt phần thi lái nếu mắc phải những lỗi như bánh xe leo lề, không nhường đường cho xe thuộc phần đường bạn phải ưu tiên, không ra tín hiệu xi nhan khi gặp biển “Form 1 lane”, lái xe bằng một tay hay chạy quá sát xe bên cạnh (dưới 1m). Bạn cũng sẽ bị trừ điểm nếu lái xe quá chậm dưới tốc độ cho phép vì điều này gây cản trở giao thông. Vì vậy, cách tốt nhất là sau khi thi đậu bằng lý thuyết, bạn nên tập lái với thầy dạy hoặc người có kinh nghiệm thật nhiều để trở nên đủ độ thành thục và thật tự tin trước khi thi lái. Trong gần một tháng trước khi thi lại tôi đã tập lái thật nhiều như thế. Điều này cộng với tâm lý thoải mái đã đưa tôi vượt qua lần thi thứ hai một cách khá dễ dàng, đóng phí bằng lái và đợi bằng lái gửi về nhà. Hành trình tự do với chiếc xe hơi của tôi bắt đầu từ đó.
Lái xe ở Úc tương đối dễ dàng, bạn chỉ cần hiểu luật và chạy đúng luật là sẽ an toàn trên mọi nẻo đường. Lý do là bởi người dân ở đây rất tuân thủ pháp luật; hầu như không thấy bóng dáng cảnh sát giao thông trên đường. Việc chạy và đậu xe đặc biệt dễ dàng ở các khu cách trung tâm (CBD hay city) khoảng 10km. Ở đó đường xá rất rộng rãi và trước cửa mỗi nhà đều có thảm cỏ và ga-ra rộng đủ cho năm, sáu chiếc xe.
Garage và thảm cỏ trước cửa nhà
Nhưng bạn phải đặc biệt “tính toán” khi muốn chạy xe vào các khu trung tâm vì làn đường nhỏ hơn, ít bãi đậu xe hơn và phí gửi xe rất đắt. Nếu như ở các khu vực ngoại vi bạn có thể đậu xe miễn phí, thì khi vào các con phố trung tâm Perth CBD mức phí gửi xe là 1,8 đô la cho mỗi nửa giờ. Thử hình dung, cũng tại Perth, nếu bạn đi lại bằng bất kỳ phương tiện công cộng nào (tàu điện, xe buýt hay phà trên sông), bạn có thể đi bất kỳ đâu trong vòng 2 giờ đồng hồ trong phạm vi 2 “zones” với chỉ 1,94 đô la, còn trong 1 zone là 1,45 “đô la” (“zone” là cách phân chia địa bàn của hệ thống giao thông công cộng tại Perth lấy Perth CBD làm trung tâm và quay các đường tròn đồng tâm). Chi phí chênh lệch rất đáng kể. Hơn thế nữa, các khu vực trung tâm chỉ cho đậu trong một thời gian ngắn từ 15 phút (1/4P), 30 phút (1/2P) tới 1 tiếng (1P). Các khu vực xa hơn thường cho phép đậu xe lâu hơn như 2 tiếng (2P) hay 3 tiếng (3P). Các chính sách này đều nhằm mục đích khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, giảm ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường.
Các biển báo hướng dẫn đỗ xes
Cách thức trả phí đậu xe là một điều có thể làm bạn bối rối. Ở mỗi phố đều có những máy thanh toán tiền đậu xe tự động. Nhiều máy chấp nhận mọi hình thức thanh toán, bằng tiền giấy, bằng thẻ ngân hàng hay tiền xu. Nhưng có nhiều máy chỉ chấp nhận tiền xu. Vì vậy, để yên tâm, bạn luôn luôn nên cầm theo một túi tiền xu trước khi bước lên xe tiến về trung tâm thành phố. Các máy tính tiền tự động này đảm bảo thời gian đậu xe của bạn luôn được tính chính xác tới từng phút, giá cả được công khai và ổn định; hơn nữa, những chiếc máy luôn sẵn sàng phục vụ bạn 24/24 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, hệ thống thu phí đậu xe tự động đôi khi làm bạn cảm thấy cô đơn giữa đêm khuya khi bước vào lấy xe giữa một tầng hầm đậu xe rộng lớn ở trung tâm thành phố mà không thấy bóng dáng ai khác.
Nhiên liệu là bạn đồng hành trên hành trình của bạn, và những trạm xăng ở Úc là những người bạn thú vị. Xăng ở đây không hề đắt, 9 lít xăng có giá tương đương 1 bát phở hay một chiếc xuất ăn trưa, và thường có giảm giá đặc biệt vào mỗi thứ Tư hàng tuần. Cho nên vào ngày này, các xe rồng rắn xếp hàng tại tại các trạm xăng. Sau khi tự đổ xăng, tài xế sẽ chạy vào phòng thanh toán bên cạnh đó báo cho nhân viên biết số hiệu máy mình vừa bơm xăng và trả tiền. Không hề có nhân viên đứng trông tại mỗi vòi bơm, nhưng mọi thứ diễn ra rất trật tự và ngăn nắp. Không chỉ đổ xăng, bạn còn có thể tự lau kính và bơm xe với các dụng cụ được cung cấp miễn phí tại trạm. Bên cạnh đó, mỗi trạm xăng là một siêu thị mini với đầy đủ nhà vệ sinh và máy rút tiền tự động. Hầu hết các bạn sinh viên Việt Nam khi mới sang Úc đều có một chút lo lắng khi không thấy hàng quán ở hai bên đường đi như ở Việt Nam, vì mỗi khu vực dân cư bên này có một khu trung tâm thương mại được quy hoạch riêng chứ không nằm cùng nhà ở. Nhưng với hệ thống trạm xăng được phân phố đều, mật độ cao và đầy đủ tiện ích 24/7 như vừa mô tả ở trên, các tài xế ở đây hoàn toàn yên tâm với những người “bạn hữu đường xa” này. Thật không còn gì tiện lợi hơn!
Một trạm xăng tại Perth với dụng cụ lau kính và bơm xe miễn phí
Các trạm xăng đều có hệ thống camera giám sát tự động, nếu ai đó cố tình không trả tiền sau khi bơm xăng sẽ bị ghép vào tội ăn cắp. Tiền phạt các vi phạm về vượt quá tốc độ rất nặng, đủ để bạn mua xăng tới vài tháng; ngoài ra tài xế còn bị trừ điểm bằng lái và tước bằng lái sau khi điểm đã bị trừ hết. Mức phạt tăng nặng gấp đôi vào các dịp nghỉ dài như Lễ Phục Sinh, Lễ Giáng sinh và Năm mới.
Cách đây một tháng, có một bạn nam sinh viên mới chân ướt chân ráo sang Perth đã hăm hở mua xe; bạn ấy rất tự tin vì đã từng lái xe tải ở Việt Nam. Việc mua xe và làm thủ tục sang tên ở Úc vô cùng đơn giản. Giá xe đã qua sử dụng ở đây lại cực kỳ phải chăng; chỉ với từ dưới một nghìn tới vài ba nghìn đô la là đã có một chiếc tương đối tốt. Do vậy, bạn nam đó không gặp khó khăn gì khi mua xe. Nhưng ngay trong lần lái xe đầu tiên, khi lái xe qua vòng xuyến, bạn đó đã không thể hình dung được mình phải lái như thế nào. Kết quả là bạn ấy đành phải đánh xe bỏ cạnh gốc cây bên đường và đi tàu điện về nhà rồi nhờ bạn cùng nhà tới lấy xe giúp. Nguyên nhân thì thật đơn giản, bạn đó chưa từng học qua luật giao thông ở Úc. Vì vậy, một kinh nghiệm dành cho các bạn có dự định lái xe khi sang Úc đó là hãy học lái tại Úc dưới sự hướng dẫn của thầy dạy lái dù cho bạn đã có bằng lái xe tại Việt Nam và hãy lên trang web của Bộ giao thông bang nơi bạn cư trú học về luật giao thông tại bang đó.
Mọi thứ thật dễ dàng để bạn có thể sở hữu và vận hành một chiếc xe cá nhân tại Úc nếu bạn là người tuân thủ luật pháp!
Tran Thi Hong Lien
PhD Candidate– Murdoch University
ADS 2013
Hoặc liên hệ Hotline:
- AMEC Hà Nội (024)39411 891 – 39411890 – 39411892 hoặc 0914 863 466
- AMEC Đà Nẵng (02)36 396 7776 hoặc 0916 082 128
- AMEC Hồ Chí Minh (028) 6261 1177 – 6261 1188 – 6261 1199 hoặc 0909 171 388
Nếu vượt đèn đỏ mà may chụp hình chớp 2 lần thì bị phạt bao nhiều điểm . Thanks