Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) Trần Thị Hà đã cho biết như vậy tại buổi họp báo triển khai những nội dung chỉ đạo của Thủ Tướng về đổi mới quản lý giáo dục ĐH giai đoạn 2010-2012.
ĐH được tự chủ nhiều hơn
Bà Trần Thị Hà cho biết, sẽ có một cuộc sinh hoạt chính trị ở các trường ĐH, CĐ để làm rõ trách nhiệm của nhà trường, đội ngũ giảng viên, cán bộ và sinh viên…trong việc nâng cao chất lượng đào tạo.
Mặt khác, xác định rõ trong các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH, yếu tố nào ở trường hiện nay đang còn yếu kém nhất, cần tập trung vào những khâu nào…. Từ đó, các trường phải tập trung xây dựng chiến lược để phát triển giáo dục ĐH đến năm 2015 và các năm tiếp theo.
Về phía Bộ GD-ĐT, sẽ tập trung hoàn thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để giao quyền tự chủ mạnh hơn cho các trường. Bên cạnh đó, Bộ sẽ xây dựng một kế hoạch để vừa kiểm tra đôn đốc sơ kết tình hình này trong quãng thời gian từ nay đến 2013.
– Đã có thời gian bàn về vấn đề xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản và giao quyền cho các trường ĐH. Chỉ thị của Thủ tướng về yêu cầu đổi mới toàn diện trong quản lý nhà nước phải là lúc đặt lại vấn đề này?
Nội dung xóa bỏ cơ quan chủ quản cũng được ban hành trong Nghị quyết 14 của Thủ tướng Chính phủ. Cho nên đó là chỉ đạo của Chính phủ cho hoạt động của Bộ GD-ĐT và cả hệ thống Giáo dục ĐH nói chung. Vì vậy, đây là việc vẫn phải tiếp tục thực hiện nhưng trong từng giai đoạn thì có thể xóa bỏ được cơ quan chủ quản thì từng bước phải nâng cao năng lực quản lý của các trường như thế nào.
Để có một bước đệm trước khi có thể thực hiện được công việc đó thì trong giai đoạn từ nay đến 2013 có phân cấp mạnh hơn về kiểm tra, giám sát cho các địa phương, cho các bộ ban ngành. Và đẩy mạnh hơn nữa năng lực chủ động của các trường trong việc thực hiện các nhiệm vụ.
Bộ GD-ĐT nắm cơ bản việc quản lý nhà nước thông qua hệ thống quy phạm pháp luật và tiến hành kiểm tra, thanh tra…
Sẽ có chế tài đóng cửa trường ĐH không đủ điều kiện
– Cũng nhiều ý kiến cho rằng, để nâng chất lượng giáo dục ĐH nên quy hoạch lại mạng lưới các trường ĐH và phân tầng chất lượng của các trường. Kế hoạch của Bộ trong việc triển khai chỉ đạo của Thủ tướng có tính đến, thưa bà?
Đó cũng là một trong những nội dung triển khai trong thời gian tới. Trong đó có phần, Bộ GD-ĐT sẽ làm việc với Bộ Xây dựng và các địa phương để làm rõ quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ. Đồng thời, xiết chặt thực hiện đảm bảo đúng các tiêu chí để thành lập trường.
Do đó, những trường sẽ thành lập phải đảm bảo đúng tiêu chí, điều kiện đề ra. Còn những trường đã thành lập rồi cũng phải rà soát để đáp ứng các tiêu chí. Trên cơ sở đó, việc kiểm định đánh giá chất lượng sẽ cùng thực hiện việc phân tầng các trường ĐH trọng điểm.
– Trong Chỉ thị của Thủ tướng có chỉ đạo, cần có cơ chế xử lý nghiêm khắc đối với các trường sau 3 năm thành lập không đáp ứng đủ tiêu chí. Bộ sẽ hợp thức hóa bằng các chế tài cụ thể thế nào để không có dư luận thời gian qua cho rằng “giơ cao đánh khẽ”?
Nội dung thứ 7 của Chỉ thị có đề cập đến việc cần có cơ chế xử lý nghiêm khắc đối với những trường sau 3 năm thành lập không đáp ứng đủ các tiêu chí, điều kiện…Trong kế hoạch của chúng tôi có đề cập đến việc kiểm tra, rà soát các điều kiện của các trường ĐH đã thành lập.
Tức là, với những trường đã thành lập rồi sẽ kiểm tra, rà soát căn cứ vào những điều kiện. Việc rà soát không chỉ bám vào các điều kiện đảm bảo chất lượng mà phải bám vào cả cam kết của trường trong kế hoạch xây dựng trường. Có nghĩa, khi xây dựng trường thì bắt buộc “anh” phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chí đã cam kết. Tiêu chí đó có thể được phân ra trong từng giai đoạn.
Ví như diện tích đất tối thiểu bao nhiêu, diện tích sử dụng/ sinh viên, khu vui chơi…phù hợp trong từng giai đoạn cụ thể. Khi mới bắt đầu thành lập, thông thường các trường ĐH, CĐ rất ít trường đưa vào trong giai đoạn 1 có những khu dịch vụ. Cho nên, khi kiểm tra rà soát các trường ĐH thì thường phải căn cứ vào các điều kiện tiêu chí. Đồng thời, căn cứ vào các cam kết của từng giai đoạn đã được phê duyệt.
Do đó, khi xây dựng quy trình sẽ có những căn cứ phù hợp với từng vấn đề để có phương án xử lý. Chủ trương của Bộ GD-ĐT từ trước đến nay là kiên quyết xử lý các trường hợp không đảm bảo đủ điều kiện. Như vậy phải có chế tài để xử lý cụ thể như tạm dừng tuyển sinh, đến giai đoạn nào thì đóng cửa…
Hiện nay, căn cứ pháp lý để xây dựng văn bản làm chế tài xử lý là quyết định 07 quy định về điều kiện tiêu chí về thành lập trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, sau khi Luật GD có sửa đổi bổ sung thì quyết định 07 cũng phải điều chỉnh. Chỉ đạo của lãnh đạo Bộ khi sửa quyết định 07 sẽ đưa vào các nội dung liên quan đến vấn đề xử lý các điều kiện không đảm bảo.
Công khai hồ sơ mở ngành
– Chế tài ban hành tới đây có xem xét trách nhiệm của cơ quan thẩm định thành lập trường không?
Vấn đề này phải tách 2 nội dung. Nếu quá trình rà soát thấy rằng, việc thành lập trường không đủ điều kiện ngay từ đầu mà cơ quan thẩm định vẫn công nhận đạt và cho phép thì đó là trách nhiệm của cơ quan thẩm định cần có xử lý. Còn trong quá trình hoạt động, khi thành lập có thể đủ nhưng trong quá trình hoạt động lại thiếu. Ví như, khi lập đề án mở ngành thì phải có ít nhất 2 thạc sĩ chẳng hạn nhưng mở ngành xong thì 2 thạc sĩ chuyển công tác…Trong trường hợp này, sẽ có chế tài xử lý trường, đồng thời, có điều kiện khắc phục nếu không khắc phục thì sẽ xử lý như đã vi phạm các điều kiện, tiêu chí trong hoạt động của các trường ĐH, CĐ.
– Việc mở ngành tới đây Bộ có thẩm định thực tế?
Trong quy trình của Bộ GD-ĐT hiện nay, có điểm mới là sẽ tổ chức thẩm định thực tế tại cơ sở. Bên cạnh đó, Bộ đã có chủ trương thực hiện 3 công khai. Vì vậy, bắt buộc các trường khi mở ngành phải công khai toàn bộ hồ sơ mở ngành trên trang web của trường để xã hội kiểm tra, giám sát. Trong đó, trường phải chứng minh được đội ngũ giảng viên phục vụ cho ngành mở mới như thế nào…
Như vậy, quy trình mới sẽ quản lý giám sát song song vừa trên hồ sơ gửi về, vừa giám sát trên trang web.
Kiên quyết chấn chỉnh tình trạng thả nổi chất lượng Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý cho biết, khởi động tiến trình 3 năm (2010-2012) đổi mới quản lý giáo dục ĐH theo Chỉ thị của Thủ tướng và Chương trình hành động của Bộ GD-ĐT, ngày 6/3 tới đây, Bộ sẽ có thảo luận trong toàn ngành GD ĐH: Vì sao phải nâng cao chất lượng đào tạo, làm gì để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tại và hiệu quả nghiên cứu khoa học? Mục đích thống nhất nhận thức tại mỗi trường ĐH, CĐ và toàn ngành giáo dục: Phát triển quy mô giáo dục ĐH phải đi đôi với đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo. Kiên quyết chấn chỉnh tình trạng thả nổi chất lượng đào tạo ở cơ sở và các cơ quan quản lý của Bộ GD-ĐT chưa kiểm soát được chất lượng đào tạo ĐH của đất nước…. Nội dung nêu trên sẽ được thảo luận qua cầu truyền hình trực tiếp tại 6 điểm (Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh, Đà Nẵng, TP.HCM) với sự tham dự của các trường ĐH, CĐ cả nước. |
Theo Vietnamnet
Hoặc liên hệ Hotline:
- AMEC Hà Nội (024)39411 891 – 39411890 – 39411892 hoặc 0914 863 466
- AMEC Đà Nẵng (02)36 396 7776 hoặc 0916 082 128
- AMEC Hồ Chí Minh (028) 6261 1177 – 6261 1188 – 6261 1199 hoặc 0909 171 388