Với khoảng 6.000 học sinh, sinh viên đang học tập, nghiên cứu, Pháp là quốc gia thu hút nhiều sinh viên Việt Nam đến du học. Một trong những lợi thế của du học tại Pháp là học phí rẻ và chất lượng giáo dục cao.
Kỳ 1: Ði những ngày đàng
Rẻ – một sức thu hút
Theo thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan chức năng, tính đến năm học 2009 – 2010, có khoảng 6.000 học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại Pháp. Các học sinh, sinh viên Việt Nam du học tại Pháp theo hai hình thức chính là du học có học bổng và tự túc. Diện du học theo học bổng thì có các suất học bổng bằng ngân sách Nhà nước thông qua Bộ Giáo dục và Ðào tạo (học bổng 322), chương trình Ðề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương và đi học theo học bổng của Chính phủ Pháp. Diện du học thứ hai là du học tự túc. Con số của Ðại sứ quán Việt Nam tại Pháp cung cấp, đến tháng 6-2010, có khoảng gần 100 lưu học sinh đang theo học tại Pháp theo học bổng 322. Con số sinh viên Việt Nam theo học với học bổng của Chính phủ Pháp và các tổ chức của Pháp là hơn 100 người. Như vậy, có thể thấy, số lượng học sinh, sinh viên Việt Nam học tập ở Pháp chủ yếu là du học tự túc. Nếu so sánh với số lượng khoảng 60.000 du học sinh đang học tại các cơ sở đào tạo nước ngoài theo thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, con số gần 6.000 học sinh, sinh viên Việt Nam du học tại Pháp chiếm tới 1/10. Ðây là một tỷ lệ rất cao.
Lý giải hiện tượng này, có hai nguyên nhân. Nguyên nhân rất quan trọng là du học tại các trường công lập ở Pháp được hỗ trợ nên chi phí học tập rất rẻ. Trung bình một sinh viên mỗi năm chỉ đóng khoảng 400 đến 500 ơ-rô (gần 600 – 700 USD) tiền học phí. Số tiền này đã bao gồm cả chi phí mua bảo hiểm học đường. Con số này quá rẻ so với chi phí đi học tại các trường học ở Xin-ga-po, Ô-xtrây-li-a, Anh, Hà Lan hay Hoa Kỳ với mức học phí trung bình mỗi năm từ 10.000 đến 25.000 USD, chưa kể một số trường đào tạo về khách sạn và du lịch ở Thụy Sĩ có mức học phí lên tới hơn 30.000 USD/năm. Với mức chi phí tại các trường đại học ở các nước kể trên, chỉ một số gia đình có nguồn thu nhập khá và giàu có mới “cáng đáng” được khoản kinh phí rất lớn trên so với thu nhập bình quân và đồng lương thấp như ở ta. Sở dĩ mức học phí ở các trường công lập của Pháp thấp gần như mang tính “tượng trưng” như vậy vì Chính phủ Pháp có chính sách hỗ trợ cho mỗi một sinh viên một năm gần 10.000 ơ-rô. Còn học phí của các trường tư thục cũng khá lớn với mức trung bình từ 5.000 đến 15.000 ơ-rô/năm. Bên cạnh lý do trên, một nguyên nhân không kém phần quan trọng thu hút sinh viên Việt Nam theo học tại Pháp, đó là chất lượng đào tạo cơ bản và chuyên nghiệp của giáo dục đại học.
Nhiều trung tâm đào tạo đại học lâu đời, nổi tiếng
So với các nước ở châu Âu, Pháp là nước có nền đào tạo giáo dục đại học và nghiên cứu nổi tiếng. Các trường đại học Xoóc-bon, Ðại học Bách khoa Pa-ri, Ðại học Sư phạm Pa-ri, Ðại học Y Mông-pơ-li-ê, Trường hành chính quốc gia Pháp (ENA), là những trường danh giá của Pháp được cả thế giới biết đến bởi chất lượng đào tạo thật sự hiệu quả. Ðặc biệt, nước Pháp từ lâu vẫn tự hào có Trường đại học Xoóc-bon thành lập từ năm 1253 là một trong những trung tâm đại học lâu đời nhất ở châu Âu. Từ ngôi trường với các khoa đào tạo khoa học xã hội nổi tiếng này, rất nhiều tài năng xuất hiện, đóng góp vào kho tàng trí tuệ chung của nhân loại.
Xác định tầm quan trọng của giáo dục trình độ cao và nghiên cứu cơ bản, Chính phủ Pháp đã lập riêng Bộ Ðại học và Nghiên cứu. Bộ Ðại học và Nghiên cứu của Pháp được thành lập từ năm 1936 khi Chính phủ Pháp bổ nhiệm một Quốc vụ khanh chuyên trách về nghiên cứu khoa học trực thuộc Bộ Giáo dục. Ngân sách hằng năm dành cho Bộ Ðại học và Nghiên cứu của Pháp rất lớn. Riêng trong năm 2009, ngân sách cho Bộ Ðại học và Nghiên cứu của Pháp lên tới 24,16 tỷ ơ-rô.
Hệ thống giáo dục và đào tạo đại học của Pháp rất phong phú và đa dạng. Theo thống kê của Edufrance, hiện nay Pháp có 50 khoa chuyên ngành quản lý, 27 Viện Quản trị doanh nghiệp, 95 Viện Ðại học Công nghệ, trực thuộc hệ thống các trường đại học công. Chương trình đào tạo của các trường đại học rất đa dạng từ đào tạo cơ bản, đào tạo kỹ thuật cho đến đào tạo chuyên nghiệp. Các trường đều có tổng hợp nhiều chuyên ngành, trang bị cho sinh viên những kiến thức thực tiễn nghề nghiệp cũng như định hướng nghiên cứu.
Nếu như hệ thống các trường đại học của Pháp nổi tiếng bởi tính phổ cập và học phí rẻ, thì hệ thống các trường chuyên ngành (écoles) lại là hệ thống trường mang lại danh tiếng nhiều nhất cho nền giáo dục đại học của Pháp bởi chất lượng cao do nghiên cứu chuyên sâu. Các trường này tuyển đầu vào ít hơn và không đại trà như trường đại học, có thể là trường công lập hay tư thục đào tạo chuyên biệt về một số ngành nhất định, chẳng hạn như đào tạo kỹ sư, quản trị viên, nghệ thuật hay nhân viên hành chính. Các Trường Lớn (Grandes Ecoles) thuộc hệ thống này. Các trường này có hệ thống đào tạo nghiêm ngặt và có tỷ lệ sinh viên đi làm ngay sau khi tốt nghiệp ở Pháp và nước ngoài rất lớn.
Ðứng hàng đầu trong các trường chuyên ngành ở Pháp là hệ thống các trường kỹ sư. Các chương trình đào tạo kỹ sư dựa trên nền tảng lý thuyết khoa học và kinh nghiệm nghiệp vụ thực tiễn của nghề kỹ sư. Mối quan hệ chặt chẽ của các trường này với nền kinh tế tạo nên một ưu thế nổi trội trong phương pháp sư phạm và định hướng nghề nghiệp. Các chương trình đào tạo của các trường kỹ sư Pháp là sự kết hợp giữa đào tạo kiến thức khoa học vững chắc và thực hành. Những khóa thực tập luôn được coi như là một phần không thể thiếu của chương trình đào tạo. Chất lượng đào tạo của các trường kỹ sư được thị trường lao động đánh giá cao, sinh viên tốt nghiệp các chương trình đào tạo kỹ sư này thường làm việc ở những vị trí quan trọng.
Ở Pháp có khoảng 250 trường kỹ sư, đào tạo nhiều chuyên ngành đa dạng. Tuy nhiên bằng Kỹ sư ra trường đều tương đương với bằng Cao học và được kiểm soát bởi Hội đồng Quốc gia về học vị Kỹ sư. Việc tuyển sinh của các trường kỹ sư dựa vào việc tuyển chọn hồ sơ và thi viết. Thời gian học khoảng 5 năm tùy chính sách của trường và trình độ của sinh viên. Các trường kỹ sư thường tương đối nhỏ về số lượng sinh viên, mỗi trường chỉ có khoảng vài trăm sinh viên một năm và môi trường đó tạo điều kiện cho các sinh viên gần gũi với nhau hơn cũng như gần gũi với các giảng viên của trường và các công ty có liên hệ với trường. Ðiều này luôn được các sinh viên nước ngoài đã từng học tại Pháp đánh giá rất cao. Các trường nổi tiếng nhất là Trường Bách khoa, Trường Mỏ, Trường Cầu đường, INSA.
Theo kế hoạch, đến năm 2020 nước Pháp sẽ thu hút khoảng 750 nghìn sinh viên học tập tại các cơ sở giáo dục đại học của nước này, bao gồm cả các cơ sở giáo dục của Pháp ở nước ngoài. Con số này gấp ba lần số sinh viên nước ngoài đang học tập tại các cơ sở đào tạo của Pháp.
Theo bảng xếp hạng của Tuần báo Thời báo đại học (THE) của Anh, Tuần báo chuyên về giáo dục đại học công bố ngày 8-10-2009, trong số 200 trường đại học có chất lượng giáo dục hàng đầu thế giới năm 2009, Pháp có bốn trường. Ðó là các trường Ðại học Sư phạm Pa-ri, Ðại học Sư phạm Li-ông, Ðại học Bách khoa Pa-ri và Ðại học Pa-ri 4. Ðây là niềm tự hào của nước Pháp. Có thể nói, hệ thống giáo dục đa dạng, đa chiều này là cái nôi đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước và thế giới. Cũng từ những cái nôi này, nhiều nhà trí thức nổi tiếng của Việt Nam đã trưởng thành. Có thể nhắc tới các nhà khoa học như Tạ Quang Bửu, Trần Ðại Nghĩa, Nguyễn Khắc Viện, Viện sĩ Phạm Huy Thông, các bác sĩ nổi tiếng Phạm Ngọc Thạch, Ðặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng, nhà ngoại giao kỳ cựu Tôn Nữ Thị Ninh, nhà triết học Trần Ðức Thảo, học giả được đánh giá là một trong những triết gia lớn của thế kỷ 20. Giáo sư toán học Hoàng Xuân Sính sáng lập Trường Thăng Long, đại học dân lập đầu tiên ở Việt Nam, là người có nhiều năm học tập và nghiên cứu tại Pháp. Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu, một trong những giáo sư toán học trẻ và nổi tiếng nhất hiện nay, cũng từng nghiên cứu và học tập tại Pháp. Còn rất nhiều nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành hiện nay của Việt Nam trưởng thành thông qua những năm tháng học tập tại Pháp.
Suốt gần một thế kỷ qua, đội ngũ trí thức Việt Nam được đào tạo ở Pháp đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng Tổ quốc.
Hoặc liên hệ Hotline:
- AMEC Hà Nội (024)39411 891 – 39411890 – 39411892 hoặc 0914 863 466
- AMEC Đà Nẵng (02)36 396 7776 hoặc 0916 082 128
- AMEC Hồ Chí Minh (028) 6261 1177 – 6261 1188 – 6261 1199 hoặc 0909 171 388