Sau 5 – 6 năm vất vả học hành để lấy được tấm bằng tiến sĩ, nhiều tiến sĩ Mỹ mơ về một vị trí giảng viên chính thức tại các trường đại học, nhưng đây không phải việc dễ dàng khi ngân sách dành cho giáo dục đang bị thu hẹp.
Khi Elena Stover học xong tiến sĩ vào tháng 9.2009, cô quyết định chuyển sang nghề chơi bài poke. Nản lòng trước những cơ hội hiếm hoi và cuộc sống khó khăn của giảng đường, Stover đã từ bỏ hy vọng về sự nghiệp giảng dạy trong lĩnh vực thần kinh học để trở thành người chơi bài poke trên mạng.
“Thị trường việc làm rất ảm đạm, đặc biệt là trong ngành giáo dục”, Stover, người mất 6 năm để lấy bằng tiến sĩ tại Đại học California, Los Angeles cho biết. Hiện cô đã chuyển tới Oakland làm nghề chơi bài và kiếm đủ tiền để chi trả các hóa đơn hằng tháng.
Để tìm được công việc giảng viên chính thức trong các trường đại học chưa bao giờ là dễ dàng. Năm nay, nguồn tài chính đóng góp cho các trường đại học ít đi và ngân sách quốc gia bị cắt giảm khiến việc này càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Hiện nhiều người có bằng tiến sĩ vẫn đang phải tìm kiếm những công việc không liên quan đến giảng đường, những công việc mà họ không cần mất từ 5 – 6 năm học hành vất vả và nợ nần hàng nghìn, chục nghìn USD để chi trả cho việc học tập.
Ngân sách bị cắt giảm đã ảnh hưởng đến hệ thống giáo dục đại học ở California. Năm ngoái, hệ thống đại học bang California mất đi 10% nhân lực giảng dạy, tương đương với 1.230 vị trí làm toàn thời gian.
Nhiều trường đại học đang cắt giảm chi phí bằng cách giảm số lượng giảng viên toàn thời gian và thuê trợ giảng hoặc giảng viên làm bán thời gian. Jack Schuster, nghiên cứu sinh cao cấp tại Đại học Claremont Graduate cho biết, số lượng giảng viên làm toàn thời gian ở các trường đại học giảm từ 78% trong năm 1970 xuống còn 51% trong năm 2007. Nhiều tiến sĩ làm công việc trợ giảng chỉ được trả 2.000 USD mỗi học kì.
Những người tốt nghiệp tiến sĩ các ngành xã hội còn gặp khó khăn hơn. Năm 2008, 86% tiến sĩ ngành xã hội từ bỏ công việc giảng đường, trong khi đó con số này ở ngành kĩ thuật chỉ chiếm 15%.
Theo danh sách thống kê của dịch vụ việc làm Hiệp hội Ngôn ngữ Hiện đại, số lượng việc làm dành cho người tốt nghiệp tiến sĩ ngành tiếng Anh và văn học nước ngoài giảm hơn 40% trong 2 năm qua.
William Pannapacker, giảng viên tiếng Anh tại Đại học Hope, Michigan, cho biết, những người tốt nghiệp tiến sĩ thuộc mọi ngành đang phải trải qua giai đoạn khó khăn khi tìm việc. Theo Hiệp hội Toán học Mỹ, cơ hội nghề nghiệp ở các trường đại học dành cho tiến sĩ toán học giảm 40% trong năm học 2009 – 2010 so với năm học trước.
Trong khi đó, các trường vẫn tiếp tục đào tạo tiến sĩ. Năm 2008, số người nhận bằng tiến sĩ của các trường đại học và cao đẳng Mỹ đạt con số cao nhất từ trước tới nay với 48.802 người, gần gấp đôi so với năm 1970.
Những người có bằng tiến sĩ thường kiếm được nhiều tiền hơn những người có trình độ thấp hơn. Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, trong năm 2009, thu nhập hằng tuần của một tiến sĩ là 1.532 USD, cao hơn 50% so với thu nhập hằng tuần của người có bằng cử nhân.
Nhưng những tiến sĩ được trả lương cao nhất thường là các tiến sĩ ngành khoa học làm việc cho tư nhân. Theo Quỹ Khoa học Quốc gia, năm 2008, gần 3/4 người nhận bằng tiến sĩ kĩ thuật tìm được việc trong ngành công nghiệp hoặc thương mại, trong khi đó, chỉ có 3% tiến sĩ ngành xã hội tìm được việc. Các tiến sĩ ngành xã hội muốn chuyển sang làm cho tư nhân gặp khó khăn hơn vì họ phải cạnh tranh với những sinh viên tốt nghiệp đại học có kĩ năng phù hợp với thế giới doanh nghiệp hơn.
“Nếu bạn đang nghĩ đến chuyện học tiến sĩ thì đừng nên”, Erin Williams Hyman, tiến sĩ văn học cho biết. Sau khi nhận bằng tiến sĩ của Đại học California, Los Angeles năm 2005, cô mất 3 năm để tìm vị trí giảng viên nhưng không thành công. Hiện, cô làm tư vấn viên tại Viện bảo tàng Nghệ thuật hiện đại San Francisco.
Nguồn Los AngelesTimes
Hoặc liên hệ Hotline:
- AMEC Hà Nội (024)39411 891 – 39411890 – 39411892 hoặc 0914 863 466
- AMEC Đà Nẵng (02)36 396 7776 hoặc 0916 082 128
- AMEC Hồ Chí Minh (028) 6261 1177 – 6261 1188 – 6261 1199 hoặc 0909 171 388