Sau khi vượt qua ‘cửa ải’ STK/DSH không mấy dễ dàng là lúc du học sinh tiếp tục đưa ra quyết định giữa vô vàn cơ sở đào tạo tại Đức. Việc lựa chọn ngôi trường, ngành học phù hợp nhất với bản thân để gắn bó trong suốt những năm tháng tiếp đó cũng lại là một thử thách. Để đưa ra được lựa chọn thích hợp nhất, bạn có thể tham khảo một số lưu ý sau trước khi nộp hồ sơ xin học.
1. Mức độ cạnh tranh của trường
Một điều hiển nhiên khi apply vào các trường đại học danh tiếng là thường có tỉ lệ cạnh tranh giữa các sinh viên giỏi rất cao, tỉ lệ tuyển sinh chỉ khoảng 10%. Do vậy, khi quyết định xin học vào trường nào đó, bạn cần xem xét kết quả học tập, điểm thi tiếng, khả năng chuyên môn và đánh giá xác suất mình được chọn.
Giả dụ, điểm học của bạn tốt thì bạn cũng không nên đăng ký vào toàn những trường có tỉ lệ cạnh tranh quá cao. Cách tốt nhất là nên đăng ký từ 5 – 10 trường, trong đó có 1 – 2 trường hạng nhất, một vài trường hạng trung bình và một số trường kém hơn để đảm bảo an toàn. Hãy nhớ rằng hiệu lực visa của sinh viên du học Đức thường chỉ kéo dài 6-12 tháng, vì vậy sau khi đã hoàn thành chương trình dự bị đại học, bạn cũng sẽ cần có thư mời nhập học vào chương trình đại học khá gấp mới có thể gia hạn visa. Những vấn đề khi xét tuyển vào trường đại học là quá đủ rồi, bạn sẽ chẳng muốn có thêm bất cứ rắc rối nào về visa trong thời gian này nữa!
2. Sự công nhận – điều tối quan trọng khi chọn trường
Trường đại học được Chính phủ hay một tổ chức công nhận sẽ làm con đường du học của bạn thật “đáng đồng tiền bát gạo”. Để được công nhận, họ phải trải qua quá trình kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo do các tổ chức được Nhà nước cho phép thực hiện. Đối với một số ngành kỹ thuật, kiến trúc, kinh doanh… thì trường có thể được Hiệp hội nghề nghiệp công nhận.
Nếu bạn xin được vào học tại một trường được công nhận sẽ dễ dàng cho bạn trong việc chuyển tiếp sang các trường đại học khác hoặc học tiếp sau đại học. Đừng chỉ vì quá gấp gáp để được nhận thư mời cho hồ sơ gia hạn visa hay không mang tiếng khi mãi vẫn chưa xin được vào trường đại học nào ưng ý, bạn nên cân nhắc thật kỹ. Vấn đề là bản thân nhận được những gì khi du học chứ không phải người khác nghĩ gì về mình.
3. Ngành học thế mạnh của trường
Nếu bạn muốn học về kỹ thuật thì trường chuyên đào tạo Khoa học – Kỹ thuật hẳn sẽ phù hợp hơn là một trường nổi tiếng về Khoa học Xã hội Nhân văn. Với những bạn chưa có quyết định cụ thể về ngành học của mình thì có thể đăng ký ngành học mở.
Ngoài ra, hầu hết các trường đều cho phép bạn chuyển sang một ngành học khác trong đơn nhập học của mình. Nhưng nhớ rằng ngành học đó sẽ chỉ thuộc khối ngành bạn đã chọn sẵn thôi nhé! Hiểu rõ bản thân từ khi đưa ra định hướng tại Việt Nam cũng vô cùng quan trọng cho tương lai của bạn. Tìm đến những người có kinh nghiệm để nhận được những lời khuyên hữu ích nhất.
4. Môi trường và điều kiện sinh hoạt
Nếu bạn tìm được nhiều sự lựa chọn phù hợp ngay gần bang đang sinh sống thì đó thật là một may mắn. Không ít bạn đã phải chuyển nhà tới một nơi có thời tiết tương đối khác, vì vậy tìm hiểu thật kỹ trước về môi trường sống, môi trường học, chi phí sinh hoạt không hề thừa!
Trong đó, môi trường học tập là quan trọng nhất. Những trường đại học có quy mô lớn thì sẽ có trang thiết bị giảng dạy, nghiên cứu tốt hơn, các khóa học phong phú hơn và cộng đồng sinh viên đa dạng hơn.
5. Vấn đề tài chính
Thật may mắn là hầu hết các trường đại học công lập Đức đều miễn học phí, tuy nhiên yêu cầu đầu vào khó cũng gắn liền theo đó. Tất cả nên được cân nhắc cẩn thận, việc phân bổ thời gian học và làm thêm cũng phải hợp lý nếu khả năng tài chính của gia đình có hạn. Quá chú tâm vào việc kiếm thêm thu nhập mà bỏ bê việc học sẽ thực sự ảnh hưởng rất lớn tới tình trạng visa của bạn.
Các trường đại học danh tiếng thường có những mức hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho những sinh viên thực sự xuất sắc, nếu tự tin vào học lực và khả năng của bản thân, bạn hãy mạnh dạn tìm kiếm và ứng tuyển xem sao. Thông thường, sinh viên hệ Master sẽ có nhiều cơ hội học bổng hơn bậc Cử nhân.
Cập nhật các thông tin mới nhất về các chương trình đào tạo tại Đức với AMEC:
Lỗi: Không tìm thấy biểu mẫu liên hệ.
Hoặc liên hệ Hotline:
- AMEC Hà Nội (024)39411 891 – 39411890 – 39411892 hoặc 0914 863 466
- AMEC Đà Nẵng (02)36 396 7776 hoặc 0916 082 128
- AMEC Hồ Chí Minh (028) 6261 1177 – 6261 1188 – 6261 1199 hoặc 0909 171 388