HÀ NỘI

(024) 3 941 1891/2 - 0914 863 466

ĐÀ NẴNG

(023) 6 396 7776 - 091 608 2128

HỒ CHÍ MINH

(028) 6261 1177 - 0909 171 388

Lúc nào nên cho con đi du học?

“Con chưa chuẩn bị cho việc phải xa mẹ” – đó là câu trả lời của con gái tôi, năm nay 16 tuổi, học Trường Quốc Tế tại VN. Câu trả lời của con gái đã làm tôi hơi bất ngờ và băn khoăn: Nên cho con đi du học lúc nào là thích hợp?

Ngày nay, rất nhiều gia đình có ước muốn cho con cái mình đi du học. Học ở đâu? Trường nào? Học phí bao nhiêu? Và quan trọng nhất là đi vào lúc nào? Nếu đặt câu hỏi này cho các bậc phụ huynh, thường ta được trả lời thời gian tương đối chính xác. Đương nhiên, khi bố mẹ thấy đã chuẩn bị đủ ngân sách hoặc gần đủ là lúc bắt đầu nóng lòng tìm hiểu về việc du học của con. Khi bố mẹ có các mối quan hệ bạn bè hoặc người thân ở đâu thì thường hướng cho con mình đến đó học. Bố mẹ bắt đầu tìm hiểu và phần nào cũng có khái niệm về cuộc sống, khí hậu, con người nơi đó, dù có thể chỉ qua lời kể của người khác và tạm yên tâm vì có chỗ dựa cho con mình.

Nhưng nếu hỏi con mình: “Lúc nào con đi du học?” Phụ huynh có thể nhận được câu trả lời: “Con chưa biết”. Thực tế, rất nhiều đứa trẻ không biết chính xác mình có nên đi du học không, và đã chuẩn bị cho việc sống độc lập chưa?

Chị H. ở Tân Bình, TP HCM rơi vào một tình huống thật khó xử. Đón cậu con trai ở sân bay từ Anh trở về sau 3 tháng du học. Câu đầu tiên chị được nghe là một lời nói rất thật lòng nhưng có phần như trách móc: ”Nhiều lúc con muốn đập đầu vào tường và tự hỏi, vì sao con lại đến nơi ấy?”. Và khi được hỏi nước Anh như thế nào, em trả lời: ”Một đất nước buồn tẻ, thiếu ánh nắng mặt trời, với một cuộc sống đắt đỏ, không trầm cảm là may lắm rồi.”

Chị H đã khóc. Không phải chị tiếc khoản tiền lớn chị bỏ ra cho con đi du học, mà tự nhiên chị thấy mình là người có lỗi. Khi con chị đang học ở một Trường Quốc tế ở VN, chị nghe theo lời tư vấn của mấy người bạn và quyết định bán một căn hộ để cho con đi du học. Khi con mình nhận viza, chính chị là người mong cho con bị rớt. Chị cảm nhận con mình chưa chuẩn bị cho việc xa gia đình, xa bạn bè. Chị bỗng nhận ra rằng, con trai chị chưa bao giờ tự xới cơm cho mình ăn chứ chưa nói đến nấu một tô mì. Con chị chưa thể tự xuống nhà thuốc mua cho mình một viên thuốc khi khẩn cấp.

Nhưng rồi, chị vẫn để cháu đi, với hy vọng môi trường mới sẽ tập cho con mình một cuộc sống tự lập. Chị vào mạng thường xuyên để động viên và chăm sóc con trai mình. Chị nghĩ, dần dần con chị sẽ quen với cuộc sống mới. Nhìn cậu con trai ngủ vùi, chị thấy xót con quá chừng. Nó cao loằng ngoằng vậy nhưng vẫn còn là một đứa trẻ. Chị nhận ra rằng, có thể chị đã chuẩn bị đủ ngân sách, chị muốn con mình trưởng thành và tự lập trong một môi trường học tiên tiến. Nhưng con chị, người quyết định sự thành công hay không của việc ”đầu tư hiệu quả“ lại chưa chuẩn bị cho việc bắt đầu một cuộc sống tự lập và sự nghiệp học hành của mình.

Tuy nhiên, T.T là một trường hợp khác. Em là một cô bé sống rất tình cảm, từ nhỏ chưa bao giờ xa mẹ. Mẹ em là một người phụ nữ ‘đa sầu đa cảm”, mẹthường cho rằng mình là người không thành công trong hôn nhân. Chính vì vậy, bao nhiêu tình yêu thương, thời gian mẹ dành hết cho em. Mẹ đã từng tuyên bố, chỉ có thể sống được khi có em bên cạnh. Em là một cô bé thông minh, ham học. Trong suốt thời gian học ở trường chuyên em không phải là học sinh xuất sắc. Nhưng em âm thầm chuẩn bị cho kế hoạch du học của mình. Em đã tham gia vào các hoạt động đoàn thể, công tác xã hội, vào các chương trình hoạt động ngoại khóa. Đặc biệt, rất chú tâm vào rèn luyện tiếng Anh.

Khi T.T. đang học lớp 11, em quyết định gửi hồ sơ xin học bổng của một trường trung học ở Úc và đã đạt được một suất học bổng toàn phần hai năm của trường. Khi nhận được tin này, mẹ là người hoang mang nhất. Dù rất tự hào về con gái nhưng lại quá lo lắng cho việc phải xa con. Thậm chí, mẹ còn ốm lên ốm xuống khi chưa biết mình sẽ sống thế nào thiếu con.

Khi tôi gặp T.T. chính em là người chủ động nhờ tôi động viên mẹ. Em bảo rằng, mình đã chuẩn bị tinh thần cho chuyến đi xa, chuẩn bị cho một cuộc sống tự lập. Em còn tự tin rằng: “con còn tự lập hơn cả mẹ con đấy”.

Hai năm trôi qua, T.T. đã dành học bổng vào một trường đại học danh tiếng ở Úc. Mẹ vẫn nhớ quay nhớ quắt mỗi khi nghĩ về em. Còn em, không phải em không nhớ mẹ, nhớ gia đình, nhớ VN. Chỉ có một điều, em đã chọn đúng thời điểm để bắt đầu cuộc sống tự lập của mình.

Câu hỏi đặt ra là nên cho con mình đi du học vào lúc nào? Theo tôi, ngoài yếu tố tài chính, ngoại ngữ, sức khỏe, quan trọng nhất là bản thân những đứa con của mình đã chuẩn bị tâm lý cho một chuyến đi dài ngày và đầy trọng trách hay chưa. Nếu con mình xác định được vai trò và cơ hội của mình, chắc chắn cho con đi du học là một quyết định đúng. Từng ngày, từng tháng, ngay từ khi con mình còn nhỏ, hãy chăm chút cho tính tự  lập, tính tự tin và quyết đoán. Đi du học là một thử thách lớn, và là một bước ngoặt của cuộc đời. Hy vọng rằng khi bố mẹ, và con đã chuẩn bị chu đáo cho chuyến đi, thì mọi việc sẽ tốt đẹp và đây là một” kênh đầu tư” hiệu quả nhất.

 






     

    Hoặc liên hệ Hotline:

    • AMEC Hà Nội  (024)39411 891 – 39411890 – 39411892 hoặc 0914 863 466
    • AMEC Đà Nẵng    (02)36 396 7776 hoặc 0916 082 128
    • AMEC Hồ Chí Minh  (028) 6261 1177 – 6261 1188 – 6261 1199 hoặc 0909 171 388

    Facebook: https://www.facebook.com/toididuhoc



    Phản hồi

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    (*)

    Có thể bạn quan tâm:

    Tin du học nổi bật

    Tin du học Mới Nhất

    Đăng ký tư vấn miễn phí