Khi bắt đầu hành trình nước Mỹ, tôi cũng như bao bạn trẻ du học Mỹ khác đều mang theo mình một khát vọng chiếm lĩnh được thành tựu khoa học, công nghệ và kỹ thuật của cường quốc số một thế giới để làm giàu vốn kiến thức của mình, để có thể trước hết nuôi sống bản thân mình, gia đình mình cũng như đóng góp một phần nhỏ bé vào sự phát triển chung của đất nước nơi chúng tôi sinh ra và trưởng thành – mảnh đất hình chữ S yêu dấu có tên Việt Nam.
Chúng tôi ra đi với tâm nguyện rằng phải ráng học, học cái hay, cái đẹp của họ. Chúng tôi luôn ghi nhớ “không nên tuyệt đối hóa bất cứ một cái gì” và “không có gì là hoàn hảo”, luôn đón nhận mọi vấn đề ở góc độ đa chiều, chắt lọc kiến thức và kinh nghiệm phù hợp mà áp dụng cho từng hoàn cảnh lịch sử bởi “Học tập không có nghĩa là bắt chước”
Tôi cũng như bao bạn trẻ Việt Nam khác được sang Mỹ du học đều hiểu rằng, chúng tôi sang đây không phải là để hưởng thụ, không chỉ có “du” mà còn có “học” mà việc học là quan trọng nhất. Đời sống du học sinh chưa bao giờ là đủ đầy, dễ dàng và êm ái. Bên cạnh những bài vở chất đống, những lo lắng, băn khoăn, là những cảm xúc lẫn lộn, đan xen của nỗi nhớ nhà, sự cô đơn hay thậm chí có lúc tuyệt vọng. Nhưng nhìn về quê hương với bao bộn bề lo toan của cuộc sống nơi bố mẹ và người thân vẫn tần tảo chắt chiu để giúp ước mơ du học của chúng tôi thành hiện thực đã tiếp động lực cho chúng tôi phấn đấu nhiều hơn nữa, vượt qua mọi khó khăn. Dẫu biết rằng đất nước mình còn nhiều lạc hậu, nhiều cái bất cập, nhiều cái bức xúc nhưng mà có được gì khi mà ngồi chỉ trích thực tại đất nước mình hay tốt hơn là cố gắng làm cho nó thay đổi tốt đẹp hơn. Khi sang Mỹ, tôi mới thấy chính dân Mỹ cũng không phải là luôn hài lòng với chính quyền của họ, nhưng không phải vì thế mà họ ghét nước Mỹ mà ngược lại họ rất yêu nước Mỹ. Tình yêu quê hương, yêu đất nước không hề đổi thay cho dù trải qua bao biến cố lịch sử và nó hoàn toàn độc lập với chính quyền. Chân lý đó là bất di bất dịch, cho dù ở bất cứ nơi đâu trên khắp thế giới này.
Chúng tôi ra đi, nhưng không phải là để lãng quên, không phải là trốn chạy thực tại mà ra đi lòng vẫn hướng về, vẫn đau đáu một nỗi ngóng trông tin tức từ người thân, gia đình và quê hương bản xứ. Chúng tôi vẫn mang trong mình dòng máu đỏ, chảy dưới da vàng với niềm tự hào con người Việt Nam cho dù ở đâu đó sự kỳ thị vẫn còn đang tồn tại trong xã hội hiện đại. Nhưng điều đó không làm chúng tôi cảm thấy tủi thân, bởi chúng tôi được sinh ra như vậy – một sự thật không thể thay đổi. Chúng tôi vẫn đọc báo mạng, vẫn xem tivi trên internet để cập nhật tình hình thời sự ở quê nhà bên cạnh CNN và NBC. Chúng tôi vẫn gìn giữ văn hóa dân tộc, vẫn nấu những món ăn truyền thống, vẫn biểu diễn văn nghệ Việt Nam để giới thiệu văn hóa quê hương mình cho bạn bè từ khắp nơi trên thế giới. Mặc dù chúng tôi không còn được nghỉ tết Âm lịch như ở Việt Nam, nhưng năm nào cũng có bữa tiệc đón năm mới góp chung những món ăn cổ truyền như bánh chưng, mứt tết. Chúng tôi vẫn nhớ “Hòa nhập nhưng không hòa tan” và mỗi du học sinh chúng tôi là một đại sứ văn hóa.
Có lẽ trong mỗi du học sinh chúng tôi, câu hỏi tự vấn lớn nhất mà chúng tôi luôn trăn trở sau khi học xong là “Ở lại hay trở về”. Bản thân tôi nghĩ rằng, để thể hiện lòng yêu nước, hay sự đóng góp cho đất nước không phải cứ mặc định là phải về nước mới làm được điều đó. Bởi nếu đất nước mình còn thiếu thốn, còn lạc hậu, còn nhiều bất cập mà về đây thì liệu mình có làm được gì hay tự biến mình thành người thừa, thành những cá nhân luôn bất mãn, không niềm tin, không động lực. Hay tốt hơn là ở lại nơi mình có thể phát huy tốt nhất tài năng của mình, để làm rạng danh tổ quốc như cách mà Giáo sư Ngô Bảo Châu đã làm?
Câu trả lời tùy vào từng hoàn cảnh. Không thể vịn vào những bất cập đó mà biện hộ cho hành vi trốn ở lại của mình. Hãy sống cho đàng hoàng và sòng phẳng, nếu ra đi bằng học bổng chính phủ do tiền thuế của nhân dân đóng góp thì hãy thực hiện những “cam kết”, những “lời hứa” của mình với dân, với nước bởi “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc”.
Dẫu biết là khó khăn, nhưng đã chấp nhận thì hãy đừng làm hổ thẹn với quê hương mình, với những người đã tin mình, đã giúp mình. Nhưng chúng tôi cũng có những mong mỏi từ phía Nhà nước là hãy tạo điều kiện cho chúng tôi cống hiến. Chúng tôi không cần “trải thảm đỏ”, chúng tôi không đòi hỏi những đặc cách, đặc ân. Chúng tôi chỉ mong có một môi trường làm việc đầy đủ, lành mạnh, một mức lương mà chúng tôi có thể nuôi sống bản thân và gia đình mà không phải làm những điều không hay, để toàn tâm toàn ý với đam mê cống hiến của mình. Và quan trọng hơn cả, hãy lắng nghe tiếng nói của chúng tôi, tiếng nói của những người con yêu nước trở về giữa lòng dân tộc với mong muốn chấn hưng đất nước. Xin đừng nhìn chúng tôi bằng ánh mắt nghi kỵ, ngờ vực, hoài nghi.
Chúng tôi trở về lý do sâu thẳm nhất là tình yêu thiêng liêng dành cho gia đình, dành cho đất nước. Tôi còn nhớ lúc mà tôi băn khoăn nhất là nên ở lại học tiếp PhD hay trở về, tôi đã gọi điện cho mẹ. Tiếng gọi nơi đất mẹ khiến tôi vô cùng bối rối. Tôi đã quyết định trở về sau khi nghe bài hát mà tôi rất yêu thích từ hồi còn ở Việt Nam. Đó là bài “Ta trở về” của ca sỹ Jimmy Nguyễn với những ca từ mà ngồi nghe trên đất Mỹ muốn ứa nước mắt:
Ta trở về, ta phải trở về
Cây còn thương gốc nước thương nguồn
Lá trên cành còn về ôm đất huống chi con người
Ta trở về nay ta trở về
Cha mẹ nay tóc đã bạc màu
Từng ngày qua vẫn mong sao sẽ có đến ngày thấy con
Kìa bông lúa cành dâu, đàn em bé trên mấy con trâu
Kìa cây chuối vườn dâu, trái dưa non lắc lư trên đầu
Kìa những cánh cò bay, nhìn quê hương sao mắt cay cay
Bờ đê vẫn đìu hiu, khói lam chiều
Ta trở về, ta phải trở về
Nghe từng câu hát đón câu vè
Tiếng ve sầu còn văng vẳng những khi trưa hè
Ta trở về nay ta trở về
Quay về sông núi của Lạc Hồng
Này cùng nhau hãy vươn vai hết sức góp mình đắp xây
Hành trình nước Mỹ có thể là một hành trình tuy ngắn nhưng rất có ý nghĩa trong cuộc đời thế hệ du học sinh chúng tôi. Nhưng hành trình nước Việt thì lại là một hành trình dài hơn, quan trọng hơn, và ý nghĩa hơn, mà thế hệ trẻ Việt Nam trong đó có du học sinh chúng tôi không ai khác chính là những người quyết định hành trình đó sẽ đưa nước Việt tới đâu. Hành trình của cả cuộc đời giúp đất nước mình phát triển, giàu hơn, tốt hơn, đẹp hơn và bền vững hơn. Hành trình đó đang chờ tôi, chờ bạn, và chờ tất cả chúng ta. Cho dù bạn ở đâu, hãy nối vòng tay lớn để cùng bắt đầu Hành trình Việt Nam.
Nguồn: www.tranngocthinh.tk
Hoặc liên hệ Hotline:
- AMEC Hà Nội (024)39411 891 – 39411890 – 39411892 hoặc 0914 863 466
- AMEC Đà Nẵng (02)36 396 7776 hoặc 0916 082 128
- AMEC Hồ Chí Minh (028) 6261 1177 – 6261 1188 – 6261 1199 hoặc 0909 171 388