Không thể phủ nhận rằng, nước Đức ngày nay đang trở thành điểm đến cực kỳ lý tưởng của các bạn du học sinh. Học tập tại Đức đồng nghĩa với việc, bạn sẽ được hưởng thụ nền giáo dục chất lượng hàng đầu Châu Âu nhưng với chi phí cực kì hợp lý. Ngoài ra, Đức còn nổi tiếng bởi cuộc sống hiện đại, tiện nghi với nhiều chế độ ưu đãi cho du học sinh. Vậy bạn có đang thắc mắc, cuộc sống du học sinh tại Đức thật sự sẽ như thế nào? Có những khó khăn và ưu điểm gì? Hãy cùng AMEC lắng nghe chia sẻ của bạn Hoàng Bảo Chính – cựu sinh viên trường Westfälische Hochschule, Gelsenkirchen Bocholt Recklinghausen nhé.
I. Thông tin đi lại tàu xe
Khi các bạn sinh viên mới sang Đức và đã ổn định chỗ ở thì việc đi lại là việc chúng ta cần phải biết đầu tiên. Trước hết, chúng ta cần địa chỉ (địa điểm mà chúng ta xuất phát) thường là các bến đỗ xe Bus (Bushaltestelle), tàu điện (Straßenbahn) các bến đỗ nhà ga (S-Bahn : Stadtschnellbahn), tàu điện ngầm (U-Bahn : Untergrundbahn), RB (Regionalbahn), RE (Regional Express) IC (Intercity) và ICE (Intercity Express)
Khi nhập học, chúng ta sẽ nộp 1 khoản tiền trong đó đã bao gồm tiền vé tàu xe cho 1 Semester (1 học kỳ). Vé sinh viên thì đi được hầu hết các tàu của nhà nước Đức (Deutsche Bahn, RB, RE, S-Bahn, U- Bahn, Straßenbahn, Bus) các tàu IC, ICE và các hãng tàu tư nhân thì vé sinh viên không dùng được.
- Bus: thường đi đoạn đường gần trong thành phố đang ở, cũng có thể đi đến thành phố khác nhưng hạn chế và không tiện vì quá lâu so với phương tiện khác như RB, IC và ICE. Thời gian chờ đợi tùy thuộc vào điểm đợi thường là 5 phút đến 1h, 1h30p (ban đêm). Bus dừng ở nhiều điểm
- Straßenbahn: là tàu điện đi trên đường ray sắt trên mặt đất, di chuyển nhanh hơn Bus. Thời gian chờ tàu cũng tương tự như Bus. Khác biệt là 1 số địa điểm chỉ có bến đỗ Straßenbahn mà không có bến đỗ Bus. Tàu này cũng dừng nhiều điểm.
- S-Bahn: di chuyển nhanh trong thành phố, đi trên đường ray riêng. Thời gian chờ đợi cũng tương tự như Bus và Straßenbahn. Tàu dừng nhiều điểm.
- U-Bahn: di chuyển dưới lòng đất, nhanh và đi các đoạn đường xa. Thời gian chờ đợi tương tự như S-Bahn. Tàu dừng nhiều điểm.
- RB và RE: về cơ bản di chuyển từ thành phố này đến thành phố khác, không nhanh bằng IC, ICE và vé sinh viên có thể đi được. Khác biệt là RB dừng ở nhiều điểm và di chuyển chậm hơn Thời gian chờ khoảng 30p trở lên.
- IC và ICE: Di chuyển nhanh giữa các thành phố. ICE nhanh nhất trong hệ thống giao thông đường bộ ở Đức, đi qua nước khác. IC giới hạn trong nước Đức. IC dừng nhiều điểm , ICE dừng rất ít điểm và giá vé rất đắt tùy vào quãng đường. Phải mua vé trước khi lên tàu, do đó thời gian đợi tùy thuộc vào lúc mua vé.
Cách tìm phương tiện và đường đi
Truy cập website: www.bahn.de chúng ta sẽ thấy tab : Fahrplan und Buchung. Do có vé sinh viên nên chúng ta sẽ chỉ tìm cách đến điểm cần như thế nào: Chọn “Nur Sitzplatz (kein Ticket)” sẽ hiện ra Von (điểm xuất phát) chúng ta có thể gõ địa chỉ mình sẽ xuất phát (các bến xe Bus, S-, U-Bahn,…).
VD: chúng ta ở Bochum, quận Linden, đường Hattinger Straße 839 (viết tắt Hattinger Str. 839) gõ vào ô Von: Hattinger Str 839, sẽ hiện lên Bochum-Linden, Hattinger Str 839, chọn cái đó.
Điểm đến (Nach): tương tự như xuất phát. VD: Nach: Berlin Hbf (Hbf: Hauptbahnhof)
Sau đó chọn thời gian mình muốn xuất phát để không phải đợi tàu lâu. Xong chúng ta kéo xuống dưới trang web sẽ có chữ “Suchen” click vào đó sẽ hiện ra các tàu và giờ tàu khởi hành mình có thể đi. Chọn tàu bất kỳ rồi ấn vào “Details einblenden” sẽ hiện ra chi tiết các tàu mình dùng để đi đến đích.
Di chuyển gần trong thành phố cách tìm đường cũng tương tự.
Lưu ý vé sinh viên (Semester ticket) đi được RB và RE nhưng chỉ được ngồi chỗ hạng 2 (2.Klasse)
Ngoài cách này chúng ta có thể tải và sử dụng App : DB Navigator trên Google store (android và ios đều có).
II. Làm thẻ thư viện
Thư viện là nơi không thể thiếu đối với sinh viên chúng ta trong suốt quá trình học tập. Do đó mình khuyên các bạn nên làm ngay khi mới vào trường, sau này đỡ mất thời gian vì trước sau cũng phải vào đó luyện chưởng thôi. Lý do là vì chúng ta sẽ phải làm các bài tập học kỳ, thuyết trình,… (Semesterarbeit, Präsentationen, Hausarbeit, Bachelor- Arbeit,…) Mình khuyên các bạn nên làm thẻ thư viện của trường sẽ không tốn phí và quan trọng nhất là gần trường. Về thủ tục làm thẻ thì rất đơn giản, chúng ta đến thư viện, mang theo thẻ sinh viên của trường cấp rồi đăng kí làm thẻ là được thôi.
Lưu ý : Thư viện là nơi học tập và làm việc, do đó các bạn không nên gây tiếng ồn trong đó, nói chuyện thì nhỏ thôi không là bị mọi người soi như khỉ trong công viên đó, nghe nhạc thì mang tai nghe vào.
Các bạn có thể để laptop, đồ dùng, dụng cụ học tập vào 1 cái giỏ (trong thư viện có) đồ còn lại thì bỏ vào các ngăn tủ khóa trong thư viện luôn.
Đọc xong tài liệu thì có thể để lên 1 cái xe đẩy, các bạn làm việc trong đó sẽ sắp xếp lại sau. Muốn mượn sách về nhà đọc thì mang đến quầy trực đăng ký là được.
III. Ăn uống và đi học ở trường
Ăn uống: Ở trường sẽ có Mensa (căng tin) cho sinh viên, ăn ở đây rất rẻ và ngon, lựa chọn rất nhiều : mì spaghetti, các món súp, đồ ngọt, hoa quả, Salat, Dessert,… Các bạn nhớ mang theo thẻ sinh viên khi trả tiền nếu không giá sẽ khác đó. Nếu không muốn ăn đồ ở đó thì mang đồ ở nhà đi ăn (nhưng mình nghĩ không ngon và phong phú bằng ở đó đâu).
Học tập: Chuẩn bị giấy để in tài liệu ( Khổ A4 cho gọn và là Standard), chúng ta nếu gấp thì in tài liệu ở nhà còn không thì đến trường sẽ có phòng vi tính (PC-Tool) vào đó sẽ không mất tiền in, mực, giấy thì mình phải dùng giấy của mình.
Các tài liệu cần thiết để học tập sẽ được các giáo sư, tiến sĩ đưa lên trang web của trường hoặc của chính giáo sư đó cho, công việc chúng ta là phải in tài liệu đó ra để đi học thôi.
Kinh nghiệm cho các bạn muốn nhanh giỏi tiếng Đức: vào trường các bạn bắt chuyện làm quen với bất kỳ ai, bạn cùng học,… rồi cố gắng chơi thân, gần họ , cùng đi ăn trưa, cùng học… Qua thời gian ngắn Tiếng Đức bạn sẽ giỏi lên nhanh thôi. Ngoài ra ai còn thích đọc truyện tranh thì có thể đọc truyện tranh Nhật Bản bằng tiếng Đức sẽ thêm nhiều từ và nhanh vào lắm. 1 cách nữa là các bạn chọn các kênh đài FM nghe khi đi đường cũng giúp ích rất nhiều đấy.
Khi các bạn đang dự bài giảng của giáo sư (Vorlesung) nếu cần thiết ra ngoài vì nghe điện thoại, WC… thì không cần xin phép, và ra không gây ồn.
Trên đây là chia sẻ của mình trong quá trình sinh sống và học tập tại Đức. Hi vọng sẽ giúp được các bạn hình dung về cuộc sống du học sinh tại đây. Chúc các bạn may mắn và sớm thực hiện được giấc mơ du học Đức của mình!
Hoàng Bảo Chính – Du học sinh Đức
(Bài viết thuộc bản quyền của Công ty tư vấn du học và đào tạo Âu Mỹ AMEC. Xin vui lòng trích rõ nguồn link khi sử dụng thông tin trong bài viết)
Cập nhật các thông tin mới nhất về các chương trình đào tạo tại Đức với Amec:
Lỗi: Không tìm thấy biểu mẫu liên hệ.
Công ty tư vấn du học và đào tạo Âu Mỹ (Amec)
Facebook: https://www.facebook.com/duhocduc360
Văn phòng Hà Nội:
Hoặc liên hệ Hotline:
- AMEC Hà Nội (024)39411 891 – 39411890 – 39411892 hoặc 0914 863 466
- AMEC Đà Nẵng (02)36 396 7776 hoặc 0916 082 128
- AMEC Hồ Chí Minh (028) 6261 1177 – 6261 1188 – 6261 1199 hoặc 0909 171 388