Trong thời gian qua, dư luận cho rằng thủ tục cấp visa của ĐSQ Mỹ rất khó khăn và kéo dài, viên chức Lãnh sự cấp visa một cách tùy hứng, làm gián đoạn hoặc lỡ chuyến đi của người xin visa.
Để giải thích với dư luận, bà Jennifer L. Savage, Trưởng phòng Lãnh sự, Đại sứ quán Mỹ đã có cuộc tiếp xúc với báo giới ngày 28/3.
Theo bà Jennifer, sau sự kiện 11/9/2001, hệ thống xét cấp visa đã được hiện đại hóa nhằm bảo đảm an ninh biên giới Hoa Kỳ, đồng thời khuyến khích những du khách hợp pháp.
Kỹ thuật cao được áp dụng vào các công nghệ tự động như hệ thống so sánh vân tay, nhận dạng ảnh (tránh trường hợp các tội phạm thay tên họ), đơn xin visa điện tử (giúp việc nhập thông tin nhanh, chính xác), hệ dữ liệu lãnh sự hợp nhất (cho phép các lãnh sự Mỹ trên toàn thế giới cùng truy cập).
Đặc biệt, hệ thống thông tin quản lý sinh viên (SEVIS) sẽ lưu giữ và cập nhật thông tin về các du học sinh suốt thời gian học tập trên đất Mỹ.
Thời gian đầu áp dụng, những thủ tục để đảm bảo an ninh, kiểm tra đối chiếu với phía Việt Nam hoặc Mỹ, khiến quá trình xét duyệt kéo dài đến vài tháng, nhưng hiện nay nhiều nhất cũng chỉ mất 2, 3 tuần.
“Còn nếu giấy tờ đầy đủ, bạn sẽ có visa chỉ sau 2 ngày làm việc, nhanh hơn Úc hay châu Âu nhiều. Điều quan trọng để không bị lỡ việc là phải nộp đơn sớm vài tuần để có thể chủ động”. Bà Jennifer cho biết.
Một điều “bất lợi” cho người Việt Nam, theo bà Jennifer là: “Số người có tên – họ trùng nhau quá nhiều, nên xác suất để tên bạn trùng với tên của một “tội phạm” người Việt là khá cao, khiến các biện pháp đảm bảo an ninh như nhận dạng ảnh, so sánh vân tay thường phải áp dụng hơn các nước khác”.
“Trong các giấy tờ phải nộp, cần chú trọng đến các bằng chứng để khẳng định bạn sẽ trở lại Việt Nam sau chuyến đi. Bạn phải thuyết phục được viên chức lãnh sự, người trực tiếp phỏng vấn bạn, vì chính viên chức này sẽ quyết định việc bạn có được cấp visa không” – bà Trưởng phòng Lãnh sự cho biết.
Được biết, nếu được chấp nhận, người được phỏng vấn sẽ nhận lại hộ chiếu có visa vào 16h ngày làm việc tiếp theo. “Ngay khi bị từ chối, bạn vẫn có thể nộp hồ sơ để xin visa lại, nhưng sẽ phải tốn lệ phí thêm một lần nữa” – phòng Lãnh sự Mỹ thông báo.
“Những ràng buộc để bạn trở về có thể là công việc ổn định với mức thu nhập tốt, là gia đình mà bạn không thể rời xa, là những hoạt động cộng đồng bạn đang tham gia, hoặc những ràng buộc về tài chính, đầu tư”, bà Jennifer gợi ý.
Trước những thắc mắc của phóng viên, bà cũng thừa nhận hệ thống khai visa điện tử chưa thật hoàn thiện, còn một số lỗi kỹ thuật khiến người nộp đơn chưa hài lòng. Bà hứa sẽ có những thay đổi kịp thời, tạo điều kiện tốt nhất cho những người muốn đi Mỹ.
Trước những băn khoăn của báo giới về sự “cảm tính” của các viên chức lãnh sự trực tiếp phỏng vấn, bà Jennifer vẫn khẳng định: “Các viên chức của chúng tôi rất chuyên nghiệp, không chỉ hiểu biết về pháp luật mà còn rất hiểu văn hóa Việt Nam”. Ngoài ra, luôn có một viên chức cấp cao hơn kiểm tra lại.
Theo cách lý giải của bà Jennifer, Mỹ không phải là nước “khó khăn” nhất trong việc cấp xét visa. Còn tỷ lệ 78% tổng số đơn xin visa được duyệt cấp cũng không phải là thấp.
Theo Vietnamnet
Hoặc liên hệ Hotline:
- AMEC Hà Nội (024)39411 891 – 39411890 – 39411892 hoặc 0914 863 466
- AMEC Đà Nẵng (02)36 396 7776 hoặc 0916 082 128
- AMEC Hồ Chí Minh (028) 6261 1177 – 6261 1188 – 6261 1199 hoặc 0909 171 388