HÀ NỘI

(024) 3 941 1891/2 - 0914 863 466

ĐÀ NẴNG

(023) 6 396 7776 - 091 608 2128

HỒ CHÍ MINH

(028) 6261 1177 - 0909 171 388

Khám Phá Ngày Lễ Chuseok: Trung Thu Của Người Hàn Quốc

Tết Trung thu (Chuseok – 추석) là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của người Hàn Quốc. Đây không chỉ là dịp để tôn vinh mùa màng bội thu. Mà còn là cơ hội để mọi người quây quần bên gia đình và bạn bè. Được tổ chức vào ngày 15 của tháng 8 theo lịch âm. Ngày lễ Chuseok mang đậm giá trị văn hóa và truyền thống, phản ánh sự gắn bó sâu sắc của người Hàn Quốc với thiên nhiên và tổ tiên. Hãy cùng AMEC khám phá những đặc điểm nổi bật của ngày lễ này nhé!

Nguồn gốc và Ý nghĩa của Ngày lễ Chuseok

Nguồn gốc của Ngày lễ Chuseok

Trong Hán tự, Tết Chuseok được gọi là “仲秋節” (Trọng Thu Tiết) hoặc “仲秋佳節” (Trọng Thu Gia Tiết). Mang ý nghĩa là lễ hội diễn ra vào giữa mùa thu.

Từ xa xưa, vào tháng tám hàng năm, người Hàn Quốc sẽ bước vào mùa thu hoạch lúa chín. Đây là khoảng thời gian mà tổ tiên của người Hàn cảm thấy vui mừng và hân hoan nhất trong năm. Vì sau một mùa trồng trọt vất vả, họ đã có một vụ mùa bội thu. Vào ngày 15 tháng 8 âm lịch – ngày trăng tròn và lớn nhất trong năm. Họ tổ chức lễ hội để ăn mừng, vui chơi và nhảy múa. Đây có thể coi là nguồn gốc của Tết Chuseok ngày nay.

Chuseok có nguồn gốc từ thời kỳ đầu của Tam Quốc. Theo “Tam Quốc Sử Ký”, dưới triều đại của vua Yuri (24–27), vị vua thứ ba của triều Silla, đã tổ chức một cuộc thi dệt vải giữa các cung nữ. Nhà vua đưa ra thử thách yêu cầu các đội dệt vải trong vòng một tháng (từ 15 tháng 7 đến 14 tháng 8 âm lịch) để xem đội nào dệt được nhiều hơn. Vào ngày cuối cùng của cuộc thi (15 tháng 8 âm lịch), đội chiến thắng sẽ được nhận phần thưởng hậu hĩnh từ vua, trong khi đội thua phải chuẩn bị các món ăn và tiết mục múa hát. Chính từ đây, Chuseok dần trở thành một ngày lễ vui chơi trong văn hóa người Hàn.

Ý nghĩa của Ngày lễ Chuseok

Chuseok (“秋夕” – Thu Tịch) có nghĩa đen là đêm trăng đẹp nhất trong mùa thu. Ngày lễ này được coi là thời điểm để tạ ơn thiên nhiên và tổ tiên vì đã ban cho một mùa màng bội thu, đồng thời là dịp để tận hưởng thành quả từ một năm lao động vất vả. Chuseok đánh dấu sự kết thúc của công việc đồng áng trong năm cũ và là thời điểm cầu mong cho mùa màng trong năm tới sẽ tiếp tục bội thu.

Trong nông nghiệp, đặc biệt là trong việc trồng lúa, mùa thu hoạch diễn ra khi hạt lúa đã chín và đạt đến giai đoạn kết hạt. Đây là một chu kỳ tự nhiên lặp lại hàng năm, tương tự như chu trình của mặt trăng quanh Trái Đất. Mặt trăng tái sinh từ lúc trăng non và đạt đỉnh cao sức sống vào ngày trăng tròn, sau đó mờ dần và quay lại chu kỳ mới. Trong xã hội nông nghiệp, sự tái sinh của mặt trăng và quá trình trồng trọt được xem là có sự tương đồng.

Do đó, trăng tròn biểu thị sự phong phú, thịnh vượng và màu mỡ. Chính vì lý do này, lễ hội trăng rằm đã trở thành một phần quan trọng trong văn hóa Hàn Quốc, nơi có truyền thống nông nghiệp lâu đời và xem trọng các yếu tố liên quan đến mùa màng và sự phát triển của đất đai.

Các Hoạt Động Đặc Trưng Trong Ngày Lễ Chuseok

Ngày lễ Chuseok, hay còn gọi là “Tết Đoàn Viên”. Là dịp để các thành viên trong gia đình tụ họp bên nhau dù có bận rộn đến đâu hay khoảng cách xa xôi. Trong ngày này, mọi người trở về nhà, cùng nhau chuẩn bị mâm lễ, thực hiện nghi lễ cúng kiếng, trò chuyện, thưởng thức các món ăn và ngắm trăng, đồng thời tận hưởng thành quả của một mùa thu hoạch. Ngoài ra, trong dịp lễ này, người Hàn Quốc cũng chuẩn bị quà tặng cho bạn bè và người thân.

Charye (차례) – Lễ Cúng Tổ Tiên

Chuseok là thời điểm quan trọng để các gia đình Hàn Quốc bày tỏ lòng thành kính đối với tổ tiên. Vào sáng ngày lễ, các thành viên trong gia đình tụ tập để tổ chức nghi lễ cúng tổ tiên.

Lễ cúng Charye được thực hiện hai lần trong năm: một lần vào dịp lễ Seollal (Năm mới) và một lần vào dịp Chuseok. Sự khác biệt giữa hai lễ Charye này là món ăn chính. Trong dịp Seollal, món ăn đặc trưng là Tteokguk (떡국 – canh bánh gạo). Trong khi đó, trong dịp Chuseok, món ăn chính bao gồm cơm nấu từ gạo mới thu hoạch (메밥), rượu truyền thống và songpyeon (송편). Sau nghi lễ cúng, các thành viên cùng nhau ngồi thưởng thức những món ăn ngon.

Seongmyo (성묘) và Beolcho (벌초) – Viếng Mộ và Tẩy Đế Mộ

Việc viếng mộ trong dịp Chuseok là một phần quan trọng của lễ nghi thể hiện lòng hiếu kính đối với tổ tiên, được gọi là Seongmyo (성묘). Ngoài ra, trong dịp này, các gia đình cũng thực hiện nghi thức nhổ cỏ xung quanh mộ, gọi là Beolcho (벌초).

Nghi thức này tương tự như phong tục tảo mộ trong ngày Tết của người Việt. Khoảng một tháng trước Chuseok, các con đường cao tốc ở Hàn Quốc trở nên đông đúc vì các gia đình đi thăm mộ tổ tiên. Sau khi làm sạch phần mộ, họ sẽ bày mâm lễ gồm hoa quả, ngũ cốc và các sản phẩm thu hoạch từ vụ mùa, dâng lên tổ tiên để thể hiện lòng thành kính và biết ơn.

Olgesimni (올게심니) – Tục Treo Ngũ Cốc Khô Trước Cửa

Tục treo ngũ cốc khô chỉ còn phổ biến ở các vùng quê. Sau khi thu hoạch, nông dân sẽ chọn lọc lúa và các loại ngũ cốc để treo lên. Trước và sau lễ Chuseok, họ sẽ cắt và treo một ít lúa chín, cao lương và hạt kê lên cột hoặc cửa. Trong khi thực hiện tục Olgesimni, họ chuẩn bị rượu và thức ăn, mời những người hàng xóm đến tham gia. Các loại ngũ cốc thường dùng làm hạt giống hoặc bánh gạo để dâng lên đền thờ hoặc cho gia thần (가신 – 家神), như thổ công. Tục Olgesimni mang ý nghĩa chúc mừng mùa màng năm nay và cầu mong mùa màng năm sau bội thu.

Các Trò Chơi Truyền Thống Trong Ngày Lễ Chuseok

Ssireum (씨름) – Đấu Vật Hàn Quốc

Ssireum là một trò chơi không thể thiếu trong dịp lễ Chuseok. Đây là cơ hội để các thanh niên thể hiện sức mạnh và kỹ năng của mình. Ssireum thường được tổ chức trên các bãi cỏ hoặc bãi cát với hình thức thi đấu loại trực tiếp. Trong mỗi trận đấu, hai đô vật đối mặt nhau ở giữa một vòng cát tròn. Cố gắng hạ gục đối phương bằng sức lực và chiến thuật của mình. Người chiến thắng, người cuối cùng đứng vững, sẽ được vinh danh là người đàn ông mạnh mẽ nhất trong làng. Gọi là jangsa (장사). Phần thưởng cho jangsa thường là vải, gạo hoặc một con bê.

Ganggangsullae (강강술래) – Điệu Nhảy Vòng Tròn

Ganggangsullae là một trong những hoạt động nghệ thuật nổi bật trong lễ Chuseok. Theo quan niệm nông dân, ánh trăng rằm tượng trưng cho sự sinh sôi và phát triển. Trăng tròn được coi là biểu tượng của sự thăng hoa trong vẻ đẹp của thiên nhiên và người phụ nữ. Thời điểm trăng tròn là lúc báo hiệu sự “khai hoa nở nhụy” của người phụ nữ.

Vào đêm trăng tròn trong mùa thu hoạch hoặc trong ngày lễ Chuseok. Các phụ nữ mặc Hanbok (한복) tụ tập, nắm tay nhau và tạo thành một vòng tròn, vừa hát vừa nhảy múa.

Juldarigi (줄다리기) – Kéo Co

Kéo co là trò chơi phổ biến được ưa chuộng bởi mọi lứa tuổi. Nhằm tăng cường tính cộng đồng và tinh thần đoàn kết.

Theo ghi chép trong Đông Quốc Tuế Thời Ký (동국세시기), ở đảo Jeju, vào rằm tháng 8 hàng năm, nam nữ tụ tập để hát và nhảy múa. Nếu sợi dây bị đứt giữa chừng, cả hai đội sẽ ngã xuống đất, tạo ra tiếng cười lớn từ những người xem. Đây là một phần của trò chơi kéo co, còn gọi là chiếu lý chi hý (조리지희). Các làng có thể chia thành các đội để thi đấu. Với số lượng người chơi được phân chia đồng đều. Sợi dây sẽ dày và to hơn nếu số lượng người chơi nhiều hơn. Thời gian thi đấu cũng kéo dài hơn. Âm thanh của tiếng trống dồn dập, tiếng hò hét và tiếng cười hòa quyện tạo nên một không khí lễ hội rộn ràng và vui vẻ trong ngày Chuseok.

 

Các Món Ăn Đặc Trưng Trong Ngày Lễ Chuseok

Ngày lễ Chuseok thường diễn ra khi những cơn mưa rào và cái nóng oi ả của mùa hè dần nhường chỗ cho tiết trời thu mát mẻ. Đây là thời điểm báo hiệu một mùa thu hoạch mới đang đến gần. Chuseok là lễ hội tôn vinh mùa màng bội thu. Với trái cây và ngũ cốc phong phú. Trong dịp này, người Hàn Quốc sử dụng gạo mới thu hoạch để chế biến các món ăn truyền thống. Các món ăn đặc trưng trong ngày lễ này không thể thiếu trong các bữa tiệc của người Hàn.

Songpyeon (송편) – Bánh Gạo Hình Bán Nguyệt

Songpyeon là món bánh không thể thiếu trong lễ hội Chuseok. Đây là loại bánh truyền thống được làm từ bột gạo mới thu hoạch. Thường được nhân với các loại đậu, hạt mè và các thành phần khác như hạt dẻ, táo tàu, khoai lang, hồng, và bột quế. Bánh Songpyeon được chế biến bằng cách nhào bột gạo với những nguyên liệu trên và sau đó hấp chín. Trong quá trình hấp, người Hàn thường cho lá thông. Bánh sẽ có hương vị nhẹ nhàng và thanh thoát hơn.

Vào đêm trước ngày lễ Chuseok, các thành viên trong gia đình thường tụ tập. Cùng nhau làm bánh Songpyeon. Những chiếc bánh được tạo hình bán nguyệt. Mang ý nghĩa tượng trưng cho sự phát đạt và thành công trong tương lai của gia đình.

Toranguk (토란국) – Canh Khoai Sọ

Bên cạnh món bánh Songpyeon. Canh khoai sọ là một món ăn không thể thiếu trong ngày Chuseok của người Hàn. Trong Hán tự, khoai sọ được gọi là thổ noãn (“土卵” – trứng của đất). Để loại bỏ lớp nhớt bên ngoài, khoai sọ thường được luộc qua nước vo gạo hoặc nước muối. Sau khi xử lý, khoai sọ sẽ được hầm cùng với gân bò hoặc ức bò. Tạo nên hương vị nhẹ nhàng và thanh thoát.

Baekju (백주) – Rượu Trắng

Vào dịp lễ Chuseok, khi mọi người quây quần bên gia đình và bạn bè để đón Tết Đoàn viên. Việc thưởng thức các món ăn và đồ uống trở thành một phần không thể thiếu. Rượu trắng là một loại đồ uống quan trọng trong các bữa tiệc Chuseok. Rượu trắng thường được chế biến và ủ từ gạo mới thu hoạch trong mùa vụ vừa qua. Mang đến hương vị đặc trưng và tươi mới cho ngày lễ này.

Tham gia vào các hoạt động trong dịp Chuseok không chỉ giúp bạn hiểu thêm về nền văn hóa phong phú của Hàn Quốc. Mà còn là cơ hội để kết nối với cộng đồng và trải nghiệm những giá trị văn hóa độc đáo.

AMEC khuyến khích bạn tìm hiểu và trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của Hàn Quốc và hòa mình vào các hoạt động truyền thống của quốc gia này.

Chúc bạn có một mùa Chuseok vui vẻ, đầy ắp những kỷ niệm đáng nhớ và tràn đầy ý nghĩa!






 

Hoặc liên hệ Hotline:

  • AMEC Hà Nội  (024)39411 891 – 39411890 – 39411892 hoặc 0914 863 466
  • AMEC Đà Nẵng    (02)36 396 7776 hoặc 0916 082 128
  • AMEC Hồ Chí Minh  (028) 6261 1177 – 6261 1188 – 6261 1199 hoặc 0909 171 388

Facebook: https://www.facebook.com/toididuhoc



Phản hồi

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

(*)

Có thể bạn quan tâm:

Tin du học nổi bật

Tin du học Mới Nhất

Đăng ký tư vấn miễn phí