Nhiều sinh viên đang học các chương trình do các trường trong nước liên kết với nước ngoài bỗng dưng bị “sang tay” cho trường khác hoặc hoang mang không biết việc học của mình thế nào, chương trình đang học là gì. Kết cục, không ít sinh viên đã “gãy gánh” giữa đường.
Tháng 8-2009, H., một học sinh vừa trượt ĐH, đã nộp hồ sơ vào chương trình học bổng liên kết đào tạo giữa Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn và Học viện TAFE New South Western Sydney (Úc). Sau khi trúng tuyển, H. học từ tháng 9-2009 đến tháng 7-2010 thì Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn thông báo tạm ngưng chương trình cho đến khi tuyển đủ chỉ tiêu bổ sung.
Không chỉ các sinh viên nhận được học bổng, những sinh viên diện đóng tiền theo học chương trình liên kết này cũng đang rất hoang mang do không biết khi nào mới được học trở lại. H. cho biết: “Khi theo học chương trình này, gia đình tôi rất kỳ vọng. Giờ chương trình tạm ngưng thế này, trường hứa khi tuyển đủ sẽ tiếp tục đào tạo nhưng biết đến khi nào mới tuyển đủ?”.
Đang học bị “sang tay”
Trong khi đó, hàng trăm sinh viên Trường quốc tế Mỹ Việt (AVIS) thuộc Công ty cổ phần đào tạo nguồn nhân lực quốc tế Mỹ Việt (số 36 đường A4, quận Tân Bình, TP.HCM) cũng đang lo lắng không biết số phận sẽ như thế nào. Nhất là mới đây khi đoàn kiểm tra Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM kiến nghị rút giấy phép đăng ký hoạt động dạy nghề của công ty này do có nhiều sai phạm trong tuyển sinh, mạo nhận trường quốc tế…
Một sinh viên năm 2 ngành quản trị kinh doanh (bậc CĐ liên kết với một trường ở Anh) thất vọng cho biết từ đầu năm học tới nay chỉ học tiếng Anh, vẫn chưa được học các môn chuyên ngành. Chương trình dạy lấy của nhiều trường khác nhau, do đó không biết đang học chương trình của trường nào.
Một sinh viên khác nói lúc đầu trường thông báo liên kết với trường này, sau đó lại thông báo liên kết với trường kia nên rốt cuộc không biết trường nào. Nhiều sinh viên lỡ đóng tiền nên vẫn ráng theo, trong khi nhiều bạn đã chuyển sang trường khác học vì không còn tin trường, các chương trình liên kết quá tù mù.
Không chỉ các chương trình liên kết, ngay cả sinh viên các chương trình nước ngoài 100% mở ngay tại VN cũng gặp cảnh lao đao khi bị “sang tay” giữa chừng. Như trường hợp của H. theo học bậc CĐ ngành quản trị nhà hàng khách sạn tại Trường Raffles Campus (Singapore) có chi nhánh tại Q.1, TP.HCM. Sau gần một năm theo học, trường bất ngờ thông báo sẽ đóng cửa với lý do có quá ít sinh viên theo học. “Trường đã giới thiệu một số trường khác của Singapore tại VN để sinh viên chuyển qua vì cuối tuần này trường sẽ đóng cửa” – H. cho biết.
Vội vàng chiêu sinh
Thạc sĩ Phạm Ngọc Dưỡng – phó hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn – cho biết do đối tác bên Úc yêu cầu tối thiểu phải có 80 sinh viên (trong khi khóa 2009 chỉ có 30 sinh viên) họ mới cử giảng viên sang nên hiện phải chờ thêm một thời gian để trường tuyển thêm. Sau khi tuyển bổ sung, dự kiến khoảng tháng 10 có thể tiếp tục chương trình đào tạo. Tuy nhiên, ông Dưỡng nói thêm trong trường hợp không tuyển đủ sẽ chuyển những sinh viên đạt yêu cầu về tiếng Anh sang Trường ĐH RMIT.
Bộ GD-ĐT khi cho phép thực hiện chương trình liên kết đào tạo cấp bằng trung cấp quản trị kinh doanh và công nghệ thông tin của Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn có ghi rõ đối tượng đào tạo phải có điểm IELTS 5.5 hoặc có khả năng tiếng Anh đáp ứng được yêu cầu của chương trình. Tuy vậy khi tuyển sinh, trường bỏ qua quy định này. “Khả năng ngoại ngữ của sinh viên hạn chế nên chỉ có vài em đạt được yêu cầu. Do đó trong quá trình đào tạo trường có dạy bổ sung ngoại ngữ cho sinh viên” – ông Dưỡng nói.
Trong khi đó, trường ĐH đối tác Mỹ vốn là trường chưa được kiểm định và AVIS cũng chưa được cấp phép liên kết nhưng AVIS vẫn thông báo chiêu sinh rộng rãi. Gần 100 sinh viên đã đăng ký học chương trình này, trong đó có sinh viên đóng 800 USD, có sinh viên đóng 2.000 USD.
Sau khi thông tin về việc liên kết này vỡ lở, trường đã giới thiệu tiếp một học viện ở Anh làm đối tác liên kết nhưng học viện này chỉ cấp chứng chỉ nên sau đó liên kết này lại không thành. Riêng gần 300 sinh viên bậc CĐ chương trình liên kết vẫn đang hoang mang vì không biết mình sẽ được học chương trình nào, trong khi giấy phép hoạt động dạy nghề của AVIS đang bị đề nghị thu hồi.
Đại diện Trường AVIS hiện tại cho biết khi mua lại trường từ chủ cũ đã không nắm được thông tin chi tiết về các chương trình liên kết này. Trường đã nhờ tư vấn giới thiệu chương trình liên kết mới nhưng kết quả trường ĐH này chưa được kiểm định nên phải tạm ngưng và trả lại học phí cho sinh viên. Riêng những sinh viên năm hai CĐ, trong tuần tới sẽ có hướng giải quyết cụ thể. Hiện trường đang thực hiện liên kết với một trường CĐ tại Hà Nội và đang xin giấy phép liên kết với một trường CĐ của Anh để tuyển sinh và chuyển gần 300 sinh viên hiện nay sang học chương trình này.
Tuổi Trẻ
Hoặc liên hệ Hotline:
- AMEC Hà Nội (024)39411 891 – 39411890 – 39411892 hoặc 0914 863 466
- AMEC Đà Nẵng (02)36 396 7776 hoặc 0916 082 128
- AMEC Hồ Chí Minh (028) 6261 1177 – 6261 1188 – 6261 1199 hoặc 0909 171 388