Làm những công việc tình nguyện vừa mất thời gian vừa mất công sức, những du học sinh Việt Nam tham gia điều hành các hoạt động hội đoàn tại Úc được xem là những người chuyên ‘ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng’. Đổi lại, họ đã nhận được những gì khi tham gia các hoạt động này?
Từ học tập…
Năm 1999, từ nhu cầu cần có một tổ chức tập trung các du học sinh Việt Nam tại Melbourne, Hội Du học sinh Việt Nam tại Melbourne (MOVSA) được thành lập. Chị Tuyết, chủ tịch đầu tiên và cũng là người sáng lập MOVSA, nhớ lại: “Lúc ấy mọi người đã như một đống rơm hừng hực, chỉ cần một ngọn lửa là bùng lên thôi. Theo thống kê của Đại sứ quán Việt Nam, thời điểm ấy có khoảng 1.000 sinh viên Việt Nam học tập tại Melbourne. Cứ mỗi dịp MOVSA tổ chức hội hè, có đến 300-350 sinh viên tham gia.”
Vừa đặt chân đến Melbourne hai tháng là chị Tuyết lao ngay vào việc thành lập MOVSA. “Cả một năm đầu, bên cạnh việc học, thời gian còn lại Tuyết ‘cống hiến’ hoàn toàn cho những hoạt động của MOVSA, không có thời gian để đi làm thêm.”
“Ở Việt Nam thì Tuyết là giáo viên tiếng Trung, sang đây theo chương trình TESOL ở Đại học Melbourne nên tiếng Anh của mình thời gian đầu chưa được tốt lắm. Nhờ những hoạt động hội đoàn mà trong lớp mình năng động lên hẳn. Chỉ sau một học kỳ, mình được đánh giá là sinh viên năng động nhất lớp”, chị Tuyết chia sẻ.
Hưng Thịnh du học ở Sydney đã được 5 năm. Bắt đầu du học từ năm lớp 10, hiện Thịnh đang học năm thứ hai chương trình cử nhân ngành Luật Thương mại (Commerce Law) tại trường Đại học New South Wales. Tham gia các hoạt động của Hội sinh viên Việt Nam tại Sydney (VDS) từ năm thứ nhất, hiện Thịnh là chủ tịch của VDS.
Thịnh chia sẻ: “Tham gia các hoạt động của VDS, Thịnh có điều kiện cải thiện các kỹ năng lãnh đạo, làm việc nhóm, tổ chức sự kiện, giao tiếp… Những kỹ năng này đã giúp Thịnh rất rõ ngay trong việc học tập. Học ở Úc rất cần kỹ năng làm nhóm. Trước đây, kỹ năng này của Thịnh rất dở, nhiều lúc chỉ muốn làm một mình cho xong. Bây giờ, do đã quen làm việc với nhiều người nên Thịnh mạnh dạn và năng động hơn hẳn, chủ động đóng góp ý kiến và phân công công việc mỗi khi làm bài tập nhóm. Hiện ngành học của Thịnh chuyên về thương mại quốc tế, có liên quan đến quản trị nhân sự.Vì vậy, Thịnh có điều kiện áp dụng lý thuyết vào thực tế và ngược lại.”
… đến nghề nghiệp tương lai và cuộc sống
Trong một chương trình hợp tác giữa chúng tôi và MOVSA, một thành viên trong nhóm đã đặt câu hỏi liệu các bạn có thể nhận được thư giới thiệu đã tham gia các hoạt động này (preference) trong quá trình tìm việc sau này.
Theo chị Tuyết, việc tham gia những hoạt động hội đoàn được các tổ chức nước ngoài đánh giá rất cao khi nộp đơn xin việc hoặc xin học bổng. “Những người trong ban điều hành đầu tiên của MOVSA hiện đều thành đạt dù ở lại Úc hay về Việt Nam. Một người là cựu sinh viên của Đại học Monash, sau khi học xong trở về Việt Nam làm việc và là chủ tịch của VGAC (Câu lạc bộ cựu du học sinh Úc), sau đó được cấp học bổng học tiếp lên tiến sĩ. Một người là Phó Chủ tịch MOVSA thì hiện đang có công việc rất tốt tại Việt Nam và cũng thành lập một hội từ thiện. Hai người còn lại hiện đang là giảng viên của Đại học Melbourne.”
Sau hai năm rưỡi học tập tại Úc, chị Tuyết quay về Việt Nam tiếp tục giảng dạy tại trường Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Chị vẫn tiếp tục gắn bó với phong trào hội đoàn nhiều năm sau đó. “Điều mà Tuyết mang về được từ những hoạt động của MOVSA là tính thực tế trong các hoạt động sinh viên. Ngoài ra, Tuyết xây dựng được kỹ năng lãnh đạo mà có bỏ tiền ra học cũng chưa chắc đã được nhờ những va chạm thực tế cuộc sống. Nhờ gặp được nhiều người giỏi mà Tuyết linh động hơn trong suy nghĩ, biết mình biết người, biết cân nhắc và lắng nghe.”
Sau mười năm kể từ khi MOVSA được thành lập, chị Tuyết hiện có mặt tại Melbourne để tiếp tục chương trình tiến sĩ tại Đại học La Trobe.
Theo chương trình chuyển tiếp giữa Đại học Ngoại thương TP.HCM và Đại học La Trobe, Phương Thảo hiện đang học ngành Quản trị Nhân sự. Thảo được mọi người biết đến khi tổ chức thành công chương trình ‘Hello Việt Nam’ tại Đại học La Trobe nhằm giới thiệu văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Với mong ước có thể kết nối sinh viên Việt Nam với sinh viên quốc tế, Thảo đã cùng một số du học sinh cũng như cựu du học sinh Việt Nam tại Úc thành lập Câu lạc bộ sinh viên Việt Nam (ISC). Còn non trẻ về mặt tuổi đời – ba tháng tuổi nhưng ISC đã thu hút được khá đông thành viên do tập trung vào hai mục tiêu chính: hướng nghiệp và học tập.
Trước khi đến Úc, Thảo từng tham gia các hoạt động của trường Đại học Ngoại thương và AIESEC – tổ chức sinh viên quốc tế có mặt tại hơn 100 quốc gia trên thế giới. Thảo chia sẻ: “Tham gia hoạt động sinh viên giống như thực tập trước khi đi làm, Thảo có điều kiện học hỏi những kỹ năng cơ bản cần thiết cho công việc sau này. Chẳng hạn như khi tham gia AIESEC, Thảo đã từng làm trưởng nhóm một dự án tuyển dụng của tổ chức này. Trong khi đó Thảo đang học về nhân sự nên đây sẽ là một trong những trải nghiệm đáng quý.”
Bay lên những ước mơ
Lợi ích về học tập, nghề nghiệp và cuộc sống tương lai thì đã thấy rõ. Thế nhưng không phải chỉ vì những lợi ích đó mà các bạn quyết định tham gia những hoạt động sinh viên. Nếu không có những ước mơ, hoài bão hay lý tưởng của tuổi trẻ cũng như khả năng thực hiện nó thì những lợi ích kể trên cũng chưa thể xem là điều kiện đủ.
“Nếu cuộc sống của mình chỉ có học và làm việc kiếm tiền thì rất vô nghĩa. Từ khi sang Úc, trước khi tổ chức ‘Hello Việt Nam’, hàng ngày đi học, đi làm rồi về nhà, Thảo cảm thấy mình mất đi những điều mình đã từng làm ở Việt Nam. Việc tham gia các hoạt động sinh viên và làm những công việc ý nghĩa khiến Thảo cảm thấy cuộc sống tươi đẹp hơn và tự hào về bản thân mình.”
“Tuyết yêu thích những hoạt động sinh viên nên không cảm thấy mất thời gian vì nó. Ngoài sự yêu thích, tâm huyết, đó là một trong những nhu cầu của tuổi trẻ – cống hiến, khẳng định, khao khát làm một điều gì đó có ích và mọi người cũng rất vui thích khi mình làm được điều đó.”
Hoặc liên hệ Hotline:
- AMEC Hà Nội (024)39411 891 – 39411890 – 39411892 hoặc 0914 863 466
- AMEC Đà Nẵng (02)36 396 7776 hoặc 0916 082 128
- AMEC Hồ Chí Minh (028) 6261 1177 – 6261 1188 – 6261 1199 hoặc 0909 171 388