HÀ NỘI

(024) 3 941 1891/2 - 0914 863 466

ĐÀ NẴNG

(023) 6 396 7776 - 091 608 2128

HỒ CHÍ MINH

(028) 6261 1177 - 0909 171 388

Du học sinh Việt ở Nga đi chợ như thế nào?

Ăn uống sinh hoạt đối với du học sinh là việc hết sức quan trọng vì  “có thực mới vực được đạo” mà! Hãy cùng xem các bạn du học sinh Việt tại  Nga họ đi chợ ra sao nhé!

Có lẽ việc ăn uống càng trở nên quan trọng hơn khi chúng ta chính thức bước vào cuộc sống du học, xa gia đình, người thân. Sau một thời gian sống ở xứ sở Bạch Dương, học tập các anh chị đi trước và tự rút ra kinh nghiệm cho bản thân, giờ đây chúng tớ đã biết cách đi chợ sao cho hợp lý. Ở nước Nga, có 3 nơi mà sinh viên có thể tìm thấy cho mình những thứ cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày đảm bảo nhu cầu về mặt hàng hóa, chất lượng cũng như giá cả. Đó là siêu thị, chợ nông trường và chợ Việt.
1. Siêu thị
Dù bất cứ nơi đâu ở Matxcơva, ta cũng có thể dễ dàng tìm thấy những siêu thị. Không như ở Việt Nam, hệ thống các siêu thị ở đây rất phổ biến. Sinh viên mới sang chúng tớ chưa thành thạo tiếng Nga cũng có thể dễ dàng mua đồ ở siêu thị với tên mặt hàng và giá cả được đề ngay bên dưới. Đối với rau, củ, quả, hạt, các bạn có thể tự lấy số lượng mình cần, sau đó xem mã số mặt hàng trên bảng tên và tự mang ra bấm số trên bảng cân điện tử để cân. Trong các siêu thị Nga đôi khi cũng xuất hiện những sản vật nhiệt đới như thanh long, vải, khế, nhãn,… nhưng giá cả thật sự khiến chúng tớ choáng váng.
Ngoài hệ thống những siêu thị bán buôn lớn có mặt khắp nơi, Nga còn có một hệ thống siêu thị dạng vừa và nhỏ dành cho người có thu nhập thấp mang tên Pyatyorochka (Пятерочка). Pyatyorochka trong tiếng Nga nghĩa là điểm 5 – điểm số cao nhất trong thang điểm cũ. Có lẽ ý tưởng của nhà kinh doanh ở đây là tuy giá thành thấp nhưng chất lượng vẫn đạt chuẩn 5 điểm. Chính vì lý do đó, hệ thống siêu thị giá thấp trở thành lựa chọn hàng đầu không chỉ của các du học sinh Việt Nam mà còn thu hút sinh viên của nhiều nước khác.
Đối với chúng tớ, đi chợ cũng là một cách học ngoại ngữ rất tốt đấy. Trong siêu thị, mỗi mặt hàng đều được đề tên, nhìn bảng tên là bạn có thể đánh vần và dần dần nhớ được tên mặt hàng. Chỉ một thời gian ngắn, nhiều bạn còn có thể đọc vanh vách tên và giá cả của những loại thực phẩm thiết yếu.
2. Chợ nông trường
Khi đã quen đường, biết tiếng, lựa chọn tiếp theo của du học sinh là chợ nông trường. Bước vào chợ, trước mắt chúng tớ cơ man là hàng hóa, thực phẩm đa dạng về số lượng, chủng loại. Cũng như sinh viên ở Việt Nam và khắp nơi trên thế giới, điều chúng tớ quan tâm nhất là giá cả. Những người bán hàng vui tính khi biết chúng tớ là sinh viên, họ luôn sẵn sàng giảm một chút tiền. Tuy nhiên, khi đi chợ nông trường, các bạn cần phải biết tiếng Nga để có thể mặc cả và thậm chí nên mang theo cả cân xách tay để kiểm tra lại trọng lượng hàng hóa. Nếu như ở siêu thị, chúng ta học được cách nhớ tên mặt hàng và đánh vần chữ thì ở chợ nông trường, chúng tớ cam đoan rằng chỉ cần qua vài lần mặc cả mua hàng bạn sẽ nhớ được khá nhiều câu tiếng Nga đấy.
3. Chợ Việt
Cuộc sống xa nhà khiến những du học sinh luôn cảm thấy nhớ những bữa cơm gia đình truyền thống kiểu Việt Nam. Chính vì vậy, điểm đến tiếp theo – duy nhất và tốt nhất đó chính là chợ Việt. Cộng đồng người Việt Nam làm ăn, sinh sống ở Matxcơva hiện nay khoảng 100 ngàn người nên những khu chợ của người Việt tại đây cũng tương đối sầm uất. Chợ Việt nằm cách trung tâm thủ đô khá xa, muốn đi tới đó chúng tớ phải đi xe bus rồi chuyển xuống tàu điện ngầm hơn 1 tiếng mới tới nơi. Mỗi lần đến đây, chúng tớ cảm thấy như được trở về nhà, được ăn những món ăn Việt trong các quán nhỏ ở chợ, được gặp người Việt, được nghe và nói tiếng Việt, tìm thấy những thực phẩm Việt quen thuộc như nước mắm, bánh phở, măng khô, thậm chí là những gói ngũ vị hương nhỏ xíu. Giá thực phẩm “made in Vietnam” không phải là rẻ đối với những sinh viên nhưng thi thoảng vào dịp lễ tết cùng nhau mua đồ về nấu bữa cơm cải thiện, bạn bè quây quần, chúng tớ lại cảm thấy lòng mình trở nên ấm áp. Hôm nào bữa cơm có thêm rau muống chấm tương với đậu phụ rán hay thịt ba chỉ rang mắm tép… chúng tớ gọi là “ăn sang”.
Nếu như ở Việt Nam, chúng ta được cha mẹ chăm lo cho từng bữa ăn thì ở xứ người, “muốn ăn phải lăn vào bếp”.  Hầu hết các du học sinh sau vài tháng xa nhà đều tự học cách đi chợ sao cho hợp lý, vừa đủ dinh dưỡng, vừa tiết kiệm, tự chế biến món ăn theo khẩu vị của mình, thậm chí còn làm những món ăn Việt Nam để mời thầy cô và bạn bè nước ngoài thưởng thức trong những dịp lễ hội sinh viên Quốc tế. Đi chợ rành, đồng nghĩa với việc nấu ăn cũng sẽ lên tay. Từ một cô nhóc chỉ biết mỗi cắm nồi cơm điện, tôi đã nấu được nhiều món ăn mang hương vị Việt Nam và tự hào chụp những bức ảnh khoe với bố mẹ, bạn bè rằng “I can cook” đấy.
Cuộc sống sinh viên tự lập sẽ dạy cho chúng ta nhiều điều, rằng mọi việc đều phải học, muốn tồn tại phải học cách thích nghi. Ai bảo một việc tưởng chừng đơn giản như đi chợ, nấu cơm là dễ?
Theo: Kenh14






     

    Hoặc liên hệ Hotline:

    • AMEC Hà Nội  (024)39411 891 – 39411890 – 39411892 hoặc 0914 863 466
    • AMEC Đà Nẵng    (02)36 396 7776 hoặc 0916 082 128
    • AMEC Hồ Chí Minh  (028) 6261 1177 – 6261 1188 – 6261 1199 hoặc 0909 171 388

    Facebook: https://www.facebook.com/toididuhoc



    Từ khóa:

    Phản hồi

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    (*)

    Có thể bạn quan tâm:

    Tin du học nổi bật

    Tin du học Mới Nhất

    Đăng ký tư vấn miễn phí