Đa số những công việc mà các du học sinh chọn thường không đòi hỏi tay nghề quá cao như: thu ngân, làm cho các nhà hàng của người Việt, chạy bàn, phụ bếp và cả… rửa chén nữa!
Bạn Quỳnh Thi (ĐH Vân Nam – Trung Quốc) chia sẻ : “Mùa hè tớ thường ở nhà order quần áo hoặc bán thẻ điện thoại. Nói chung là cứ tìm được công việc đơn giản mà phù hợp là tớ làm. Công việc nhẹ nhàng, thu nhập kha khá, là tớ vui rồi”.
Quỳnh Thi – du học sinh Việt tại ĐH Vân Nam, Trung Quốc.
Bạn Quốc Anh (ĐHQG Singapore) lại “sở hữu” những công việc làm thêm rất thú vị. “Khi ở bên Sing thì mình thường làm nhân viên marketing qua điện thoại, trợ lý phòng thí nghiệm cho một vài dự án khoa học, trợ lý trong các trung tâm nghiên cứu của trường…”.
Một số đông khác lại chọn cho mình công việc gia sư tiếng Việt cho người nước ngoài hoặc là con cái của các gia đình người Việt đã định cư lâu năm ở nước ngoài. Hoặc làm cho các nhà hàng, các tiệm ăn của người Việt, Trung Quốc. “Công việc này được tiếp xúc với người Việt, mình đỡ thấy nhớ nhà” – Quỳnh Chi (Mỹ) chia sẻ.
Bên cạnh đó, lại có những công việc khá là mạo hiểm. Trường Minh (ĐH Giao thông đường bộ Moscow – Liên bang Nga) chọn công việc môi giới bán sim điện thoại, thực phẩm, vé máy bay… Minh phải lấy hàng và giao hàng ở các chợ người Việt và ở đây Minh bị khá nhiều người gây sự, thâm chí là đe dọa tới tình mạng nữa cơ.
Làm thêm = Thu nhập khá + kinh nghiệm đầy mình
Tại sao được nghỉ hè, các “chàng – nàng” du học sinh nhà mình chẳng chọn về nước vừa được gần gia đinh mà vẫn có thể làm thêm? Quỳnh Chi, cô bạn đang làm order ở một số cửa hàng quần áo tại Mỹ giải đáp rằng: “Chi biết là vậy. Nhưng nếu về Việt Nam làm thêm, không những làm thu nhập ít, mà còn phải chi trả nhiều chi phí sinh hoạt khác. Số tiền ấy không đủ để mua vé máy bay đi đi về về. Vì thế, Chi quyết định ở lại, vừa tiết kiệm tiền, lại vừa có cơ hội học hỏi, hòa nhập hơn cuộc sống nơi này”.
Hoàng Quốc Anh du học tại trường đại học quốc gia Singapore (NUS).
Quả thực, thu nhập từ việc làm thêm ở nước ngoài không tệ đâu nhé. Quang Anh (Pháp) cho biết: Tại Pháp, nếu du học sinh Việt Nam đi làm toàn thời gian trong ba tháng hè, cũng thu nhập tới 4.000 – 5.000 euro (tương đương 5.500 – 7000 USD) và có thể tự chi trả sinh hoạt phí và học phí trong vòng 7- 9 tháng.
Từ việc làm thêm, các du học sinh nhà mình vừa tiết kiệm được chi phí đi lại, vừa có thêm thu nhập cao, quan trọng hơn là họ được cọ xát lấy kinh nghiệm. “Đi làm thêm và cả làm thực tập mình cũng học được những kỹ năng mềm (soft skill) như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phỏng vấn và còn có thể xây dựng những mối quan hệ (networking) cần thiết cho công việc. Bên cạnh những kiến thức sách vở mà mình học được ở trường, các kỹ năng đó cũng rất cần thiết để sau này tránh bị bỡ ngỡ trên con đường lập nghiệp”, Minh Nhật, du học sinh tại Nhật chia sẻ.
Nhưng cũng có muôn vàn rắc rối…
Trong thời gian tìm việc cũng như thời gian đi làm các bạn lưu học sinh cũng gặp phải không ít những khó khăn. Quỳnh Chi chia sẻ vì thời gian làm thêm quá ngắn, thường chỉ làm hè nên chủ rất ngại nhận sinh viên, thêm vào đó đa phần các bạn sinh viên thường chưa có kinh nghiệm làm việc.
Để có được công việc làm thêm như bán hàng, các du học sinh cũng phải rất vất vả mới kiếm được.
Với Trường Minh, khi đi xin việc có thể sẽ bị chủ ép lương thậm chí bị khách coi thường nữa. Do công việc của Minh phải tiếp xúc với những “con buôn” nên Minh cũng phải rất thận trọng không thì rất nguy hiểm, bị doạ nạt thậm trí là có thể bị đánh. Nếu các bạn kinh doanh thì rất khó tạo dựng lòng tin ở khách hàng.
Còn Quốc Anh lại gặp khá nhiều khó khăn khi bước đầu phải làm hồ sơ chuẩn bị xin việc rồi phỏng vấn. “Cần tìm hiểu kĩ về công việc và công ty trước để có thêm tự tin khi phỏng vấn, thêm vào đó mình phải đảm bảo được sẽ đóng góp và làm việc có kỷ luật cho công việc đó”, Quốc Anh chia sẻ.
Một số nước có quy định thời gian làm thêm của sinh viên nên các bạn có thể bị trục xuất nếu như làm quá thời gian quy định. Lan Hương ( Australia) cho biết: “Kiếm việc làm thêm và kiếm được tiền là điều không dễ ở Australia. Chính phủ nước này quy định, mỗi sinh viên trong thời gian học chỉ được làm thêm không quá 20 giờ một tuần, riêng trong các kỳ nghỉ như: nghỉ hè, nghỉ đông, nghỉ tết… có thể làm toàn thời gian. Để được làm thêm ở đây, sinh viên còn phải xin visa làm việc nữa”.
Mặc dù cuộc sống có phần xa lạ, cô đơn, nhưng các du học sinh Việt Nam đều chọn phương án ở lại đất bạn, trải nghiệm một mùa hè bận rộn. Chúc cho các bạn ấy có nhiều mùa hè bổ ích!
Hoặc liên hệ Hotline:
- AMEC Hà Nội (024)39411 891 – 39411890 – 39411892 hoặc 0914 863 466
- AMEC Đà Nẵng (02)36 396 7776 hoặc 0916 082 128
- AMEC Hồ Chí Minh (028) 6261 1177 – 6261 1188 – 6261 1199 hoặc 0909 171 388