Ai cũng tưởng đi du học là sướng. Thế nhưng những lúc chi phí tăng cao chóng mặt, người ta mới thấm thía phần nào nỗi khổ của việc du học nước ngoài…
Đau đầu theo tỉ giá ngoại tệ
Gần đây, giá ngoại tệ bỗng dưng tăng đột biến. Những tưởng điều đó chỉ khiến người làm ăn đau đầu, nhưng nó còn là nỗi lo của nhiều Anh, Pháp, Đức, Thụy Sĩ… Còn đối với Châu Á như: Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc… thì nó cũng chẳng nhỏ đi bao nhiêu.
Thạch Thảo (du học sinh Mỹ) chia sẻ: “Ngày trước một tháng tớ được gia đình cho 1500$ (khoảng 30 triệu vnd) cho chi phí đi lại, sinh hoạt và nhà ở. Với số tiền đó, tuy không phải lúc nào cũng ăn ngon, mặc đẹp, dùng đồ hiệu, nhưng biết chi tiêu thì nó cũng vừa đủ. Thế mà giờ đây cái khoản vừa đủ bỗng trở thành vừa thiếu. Giá nhà ở tăng, chi phí sinh hoạt tăng, giá đô la cũng tăng. Thế nên một tháng, gia đình tớ lại phải “oằn mình” gửi thêm cho tớ 300-400$ để trang trải. Chưa kể tiền học phí cũng đắt hơn nữa”.
Giá tăng, nhưng học phí đâu giảm, chi phí sinh hoạt, nhà ở đi lại cũng cứ thế tăng theo. Thiết nghĩ nếu cái gì cũng tăng và cũng chênh vênh như thế thì khoản tiền phải tăng thêm lớn biết dường nào.
Tính ra, đô la Mỹ còn tăng chậm so với các đồng tiền khác. Không ít du học sinh sống ở các nước dùng đồng tiền riêng đang rất đau đầu vì chỉ quay đi ngoảnh lại trong vòng chưa đầy 1 tháng, giá trị tiền đô bỗng tăng lên chóng mặt. Nếu không phải con cái của những gia đình giàu có thì những khoản chi phí tăng thật sự trở thành một gánh nặng đáng lo.
Chạy đua theo bão giá…
Sống trong thời kì giá cả chênh vênh khiến nhiều du học sinh cũng phải tự tập cho mình một thói quen mới để không tạo thêm gánh nặng cho gia đình. Ngoài khoản học phí chẳng thể cắt giảm, mãi là nỗi lo thì những khoản chi phí khác của bản thân, nhiều du học sinh đang cố gắng giảm thiểu một cách đáng kể.
Đầu tiên là về khoản nhà ở – một khoản chi phí không hề nhỏ dù là du học ở bất kì quốc gia nào. Nhiều du học sinh chọn cách ở chung để chia tiền nhà cho rẻ. Nếu ngày trước, một căn phòng khoảng 1000$ được chia làm 2, thì nay có thể chia thành 3, thành 4 để giảm bớt khoản này đắp vào khoản kia.
Quốc Vinh (du học sinh Singapore) chia sẻ: “Tớ và thằng bạn thuê một căn phòng bình thường giá 800 đô Singapore. Ngày trước vào khoảng hơn 11 triệu vnd (lúc đó 1 đô Sing khoảng 13k-14k). Nay đô Sing tăng đến 16500 vnd, thì 800$ lên đến hơn 13 triệu. Thế nên bọn tớ quyết định tìm 1 người nữa ở chung, để giảm phần nào nỗi lo cho gia đình”.
Tiếp đến là chi phí sinh hoạt, ăn tiêu. Nhiều bạn thậm chí chỉ ở nhà, nấu cơm ăn với trứng chiên hay những món đơn giản để bớt khoản ăn uống. Hình thức nấu cơm chung trở nên phổ biến hơn. Bởi ăn ngoài, chi phí sẽ cao hơn mà đôi khi ăn cũng không đủ no. Các khoản mua sắm hầu như cố gắng cắt triệt để.
Giảm bớt ra ngoài, giảm bớt ăn tiêu kéo theo giảm chi phí đi lại. Nhiều du học sinh cũng nhờ thế, mà với khoản tiền “cứng” bố mẹ cấp cho hàng tháng, vẫn sống no, sống tạm đủ qua thời kì bão giá này. Những bạn có thêm một công việc kha khá thì sẽ ăn tâm hơn rất nhiều.
Tuy nhiên…
Cái gì cũng có hai mặt, những khoản cắt giảm chẳng dễ chút nào. Như chuyện chi phí nhà ở, đâu dễ gì tìm được một người vào ở chung, và khi tìm được rồi thì chuyện nhà quá đông, gây xích mích, mất mát, khó chịu cũng là chuyện thường thấy. Thế nên, dù sẽ tiết kiệm được một khoản lớn, nhưng chẳng phải du học sinh nào cũng làm được điều này.
Nhiều bạn còn sai lầm trong cách thức tăng thu giảm chi. Nghĩa là những khoản cần thiết thì không chi, lại chi những khoản không cần thiết. Như tiền ăn uống, tiền đi học thì giảm bớt. Ăn không đủ bữa, đi học tốn tiền đi lại nên… nằm nhà.
Không ít bạn còn lao đầu vào tìm việc làm thêm quên ngày tháng. Nếu ngày trước chỉ làm 1 việc, thì nay cố kiếm 2, 3 việc để có thêm thu nhập. Kiếm được nhiều tiền, cuốn mình vào công việc, nhiều bạn cũng xao lãng hẳn việc học.
Chi phí tăng là nỗi lo muôn thưở của du học sinh. Mỗi người dù muốn dù không đều phải tìm cách chi tiêu phù hợp, hiệu quả hơn trong giai đoạn này. Nhìn chung, không ai giống ai, nhưng tất cả đều phải oằn mình trong cơn bão giá. Dù làm cách nào, cũng đừng quên nhiệm vụ cuối cùng của mình là học nhé!
Hoặc liên hệ Hotline:
- AMEC Hà Nội (024)39411 891 – 39411890 – 39411892 hoặc 0914 863 466
- AMEC Đà Nẵng (02)36 396 7776 hoặc 0916 082 128
- AMEC Hồ Chí Minh (028) 6261 1177 – 6261 1188 – 6261 1199 hoặc 0909 171 388