HÀ NỘI

(024) 3 941 1891/2 - 0914 863 466

ĐÀ NẴNG

(023) 6 396 7776 - 091 608 2128

HỒ CHÍ MINH

(028) 6261 1177 - 0909 171 388

Du học: Nhìn từ phía khác

Đi học nước ngoài là mơ ước của không ít bạn trẻ, thế nhưng vì nhiều lý do: chọn sai ngành, đặt quá nhiều kỳ vọng về bản thân, về môi trường học tập… nhiều người không chỉ trở về tay trắng, tốn kém hàng trăm triệu đồng, một số người còn bị hội chứng rối loạn tâm thần.

Vừa học vừa… “hành”

Tối 28/7, nghe tin Trần Thị Xuân Như, du học sinh tại Mỹ về đến TP.HCM trong trạng thái tâm thần hoảng loạn, ngẩn ngơ, không nhận biết được người thân, nhiều bạn bè của Như thật sự ngỡ ngàng. Theo nhật ký của Như và hồ sơ bệnh lý mà cha mẹ Như nhận về từ Mỹ, cô bị rối loạn tâm thần vì… học trái ngành.

Như từng tốt nghiệp loại giỏi khoa Đông phương học. Hai năm sau khi tốt nghiệp, Như đạt 650 điểm tại kỳ thi TOEFL. Trải qua nhiều kỳ trắc nghiệm trên internet, Như nhận được một suất học bổng toàn phần ngành quản trị doanh nghiệp của một trường ĐH tại Mỹ. Thế nhưng, sau thời gian học tập ở nước bạn, Như mới hoảng hốt nhận ra mình không thể đáp ứng yêu cầu của các môn học. Áp lực lấy bằng thạc sĩ đè nặng trên vai làm Như khủng hoảng. Sáu tháng vừa học, vừa “hành xác”, cô lăn đùng ra ốm và phải vào bệnh viện điều trị. Cuối cùng, ba mẹ Như phải thu xếp sang Mỹ đón con về.

Cách đây một năm, tại Học viện Công nghệ châu Á (AIT – Thái Lan) cũng có hai du học sinh người Hà Nội phải rời khoa Hành chính công về nước để điều trị bệnh tâm thần. Đáng nói là hai bạn trẻ này đều tốt nghiệp ĐH loại xuất sắc về chuyên ngành xã hội học, nhưng được chọn du học bằng học bổng Nhà nước về quản lý kinh tế. Thực tế, với những sinh viên quản trị kinh doanh hay khối ngành kinh tế, sau khi tốt nghiệp ĐH ở VN, ra nước ngoài học đúng chuyên ngành vẫn còn bị hẫng. Với các bạn học chuyên ngành xã hội, khi học về kinh tế với nhiều môn học như xác suất thống kê, kế toán doanh nghiệp… thì càng dễ… khủng hoảng hơn.

Cần chuẩn bị chu đáo

Trên blog cá nhân, bạn trẻ Ngô Mãn Đình, Hà Nội đã chia sẻ vất vả của mình khi du học: “Khi mới ra nước ngoài, áp lực lớn nhất mà tôi phải chịu là làm sao tốt nghiệp cho thật nhanh để đỡ tốn tiền ăn học và có thể nhanh chóng tìm việc làm. Quá nôn nóng, trong khi vốn liếng tiếng Anh chưa thật sự vững mà tôi lại đăng ký học bảy môn. Không đủ thì giờ làm bài, học bài, ăn uống nghỉ ngơi, cộng thêm nỗi buồn và cô đơn, tôi kiệt sức nhanh chóng. Cuối khóa, tôi chỉ đạt điểm được ba môn học”.

Anh Hồ Xuân Dũng – Phó trưởng phòng Lao động – tiền lương – tiền công của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM – người đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Luật học ngày 18/2/2010, tại Trường ĐH Toulouse 1 – Capitole (Pháp) nói: “Trước đây, tôi từng nghĩ việc du học là khá dễ, chỉ cần giỏi ngoại ngữ, nhưng khi vào cuộc, tôi mới thấy rõ việc học ở một đất nước xa lạ mới khó khăn làm sao!”. Năm 2001, khi lên đường du học với suất học bổng toàn phần, hành trang của Dũng là vốn từ tiếng Pháp và kiến thức được tích lũy trong suốt bốn năm tại ĐH Luật TP.HCM. Mỗi ngày anh vào lớp nghe giảng bốn giờ, rồi tiếp tục bốn giờ làm việc nhóm, thời gian đầu cứ như vịt nghe sấm… Anh mang máy ghi âm, nhưng ghi rồi để đó chứ chẳng có thời gian để nghe lại. Một thời gian dài, những hiểu biết về nước Pháp của Dũng chỉ là… lớp học, thư viện và bốn bức tường ký túc xá. Nhờ đó, Dũng đã tốt nghiệp cao học Luật.

Chuyện học nơi xứ người rõ ràng là chuyện không dễ dàng. Bác sĩ Lê Quốc Nam – Giám đốc phòng khám Tâm lý y khoa tâm thần kinh Quốc Nam cho biết, tình trạng thanh thiếu niên bị rối loạn tâm thần sau một thời gian du học là khá phổ biến. Hầu hết những em này thường là ngoại ngữ chưa vững, hoặc khả năng thích nghi với một nền văn hóa khác bị hạn chế. Bên cạnh đó, việc tự gây áp lực hay học quá tải sẽ làm cho chính các em bị căng thẳng. Điều này tạo nên những hậu quả hết sức tai hại về mặt tâm lý, tâm thần. Rơi vào tình cảnh này, các em có nguy cơ trầm cảm. Bệnh này có thể biểu hiện qua các triệu chứng như buồn chán, không quan tâm đến các thú vui hay hoạt động thường ngày, lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, ăn ngủ kém, cảm thấy tự ti… Cũng có những trường hợp rơi vào hội chứng hoang tưởng, rối loạn tâm thần.

Với các bạn trẻ, việc học ở nước ngoài cần có quá trình chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng. Cần kiểm tra khả năng thích ứng của mình với ngành học.

Hãy thật thận trọng, thật cân nhắc để không phải rơi vào cảnh dở khóc, dở cười…






     

    Hoặc liên hệ Hotline:

    • AMEC Hà Nội  (024)39411 891 – 39411890 – 39411892 hoặc 0914 863 466
    • AMEC Đà Nẵng    (02)36 396 7776 hoặc 0916 082 128
    • AMEC Hồ Chí Minh  (028) 6261 1177 – 6261 1188 – 6261 1199 hoặc 0909 171 388

    Facebook: https://www.facebook.com/toididuhoc



    Phản hồi

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    (*)

    Có thể bạn quan tâm:

    Tin du học nổi bật

    Tin du học Mới Nhất

    Đăng ký tư vấn miễn phí