Vài năm nay, các chương trình du học hè theo nhau bùng nổ nhưng chưa hề được quản lý, kiểm soát về chất lượng. Nhiều bậc phụ huynh học sinh lại chỉ nghĩ đơn giản là có tiền cứ thoải mái cho con tham dự, mà không lường hết những rủi ro.
Đủ chiêu khuyến mãi!
“Khóa học kết hợp nhiều bài học bằng tiếng Anh lý thú cùng các hoạt động ngoại khóa: leo núi, chèo thuyền, đi thăm các công viên, bảo tàng… chắc chắn sẽ mang lại cho các học viên “một cuộc sống Mỹ thực sự”. Đó là một trong số vô vàn quảng cáo hấp dẫn về du học hè bên cạnh những slogan rất kêu “Một chuyến đi tuyệt vời – Một kỷ niệm khó quên”, “Bước đi nhỏ – Trải nghiệm lớn”…
Cho con ra nước ngoài thư giãn trong những ngày hè hiện đang trở thành trào lưu của những gia đình khá giả. Chính vì vậy, từ đầu năm 2011, các trung tâm Anh ngữ, trung tâm tư vấn du học đã đua nhau tiếp thị các sản phẩm “du học hè” ở Singapore, Malaysia, Mỹ, Úc, Anh, New Zealand… Các đơn vị tổ chức trại hè cạnh tranh quyết liệt với nhau bằng nhiều chiêu giảm giá “tặng tiền ngay”. Trung tâm VISCO tiếp tục chương trình khuyến mãi tối đa lên tới bốn triệu đồng cho học sinh (HS) đăng ký chương trình du học hè Singapore sớm. Trung tâm GET – Language Link có chế độ giảm giá từ 50 USD – 100 USD cho những HS “nhanh chân” đăng ký. HS còn có cơ hội giành các suất học bổng 1.000 USD, 500 USD, 250 USD khi tham gia chương trình du học hè của Trung tâm du học Mỹ AECT. Riêng Trung tâm ASCI còn dành nhiều suất khuyến mãi đặc biệt hấp dẫn cho HS đăng ký ở resort ba sao…
Trung tâm SEAMEO sẽ giảm 100 USD cho HS tham dự hội thảo giới thiệu du học hè, còn cấp học bổng 100% học phí và ăn ở khi tham gia học hè với trị giá 1.500 USD. Ở Trung tâm ILA, ngoài tặng ngay 3,9 triệu cho HS đăng ký trước, HS còn có cơ hội trúng thưởng một giải đặc biệt là chuyến du học hè ở Singapore trị giá 1.599 USD, một giải nhất iphone 4 có giá 1.000 USD cùng những giải thưởng có giá trị khác…
Theo ghi nhận của chúng tôi, các chương trình du học hè chưa được quản lý, hầu hết chỉ dựa trên hợp đồng thỏa thuận giữa các công ty, trung tâm với PHHS. HS sẽ được kiểm tra Anh văn tại nước bản xứ để xếp lớp phù hợp với trình độ, lứa tuổi, không xét trình độ Anh văn tại Việt Nam. Nhiều đơn vị ký hợp đồng ngắn hạn với các trường ở nước ngoài vừa khiến các khóa “học hè” đậm màu du lịch vui chơi, vừa không kiểm soát được chất lượng giáo viên.
Phép thử trước khi du học?
Khi bỏ ra từ 30 triệu đồng (chương trình Singapore, Malaysia) cho đến hơn 100 triệu đồng (Mỹ, Úc, Anh…), hầu hết PHHS đều mong muốn con em sẽ nâng cao trình độ tiếng Anh. Tuy nhiên, trong bốn tuần học hè, giờ học tiếng Anh chỉ có 13 – 16 giờ/tuần (trung bình mỗi ngày chỉ có hai giờ). Như vậy, học chỉ là phần “phụ”, còn chuyện tham quan, mua sắm mới là phần chính yếu. Một số trung tâm còn tuyên bố cho HS du học hè ở resort ba sao.
Trước khi tham gia du học hè, các em cần được tập huấn các kỹ năng sống
cũng như trang bị kiến thức
Trường hợp của Cẩm Tú, cựu du HS hè năm 2010 có vẻ khá điển hình. Lần đầu tham gia trại hè ở Singapore, Tú đã chọn học tiếng Anh buổi sáng, còn buổi chiều đi tham quan, tối đi shopping. Tú cho biết: “Trong tuần đầu tiên, tụi em còn chưa quen “đường đi nước bước” nên chỉ đi tham quan các trung tâm mua sắm, siêu thị điện máy gần khu ký túc xá mình ở. Sang những tuần kế tiếp, khi đã biết cách đi tàu điện ngầm, nhóm em đi chơi nhiều hơn, đi xa hơn. Cuối tuần ra đảo Sentosa đi cáp treo, xem phim 3D, nhạc nước”.
ThS quản lý giáo dục Phùng Cảnh Thành, với kinh nghiệm làm trưởng đoàn du học hè nhiều năm, khuyên: “Nếu con em dưới 14, 15 tuổi, PHHS cần cân nhắc trước khi cho các em tham dự trại hè. Chuyến du học hè chỉ thật sự bổ ích đối với những em có tâm thế sẵn sàng tiếp nhận một nền văn hóa mới”. Thầy Thành kể, có em là con của một đại gia ở Q.3, được ba mẹ thưởng cho chuyến du học hè đến Mỹ khi còn quá nhỏ. Xa nhà, em khóc từ lúc chia tay ba mẹ ở phi trường cho đến khi đặt chân lên đất Mỹ. Ngày nào em cũng ôm điện thoại khóc, nằng nặc đòi về. Trình độ Anh ngữ của em tuy đạt mức khá ở Việt Nam nhưng chẳng là gì ở xứ Mỹ. Em cảm thấy lạc lõng nơi đất lạ quê người, nghe như “vịt nghe sấm” khi tham quan, không hiểu thuyết minh và cũng không biết nói gì trong các buổi thuyết trình Anh ngữ.
Thầy Trần Minh Thành, chuyên viên tiếng Anh, Phòng GD-ĐT Q.1, bảy lần dẫn HS du học hè chia sẻ: PHHS phải xác định cho con tham dự trại hè vì mục tiêu gì? Có visa để sau này xin du học tự túc thuận tiện hơn? Rèn cho con kỹ năng sống, độc lập, tự tin? Hay chỉ đơn giản là “thưởng” cho con một kỳ nghỉ vừa học, vừa chơi? Du học hè là một “phép thử” chính xác cho những em có ý định du học tự túc sau này. Chuyến đi ngắn này bộc lộ khả năng chịu đựng xa nhà và mức độ thích ứng với nền văn hóa mới của HS. Nhiều em hốc hác vì không ăn nổi đồ ăn phương Tây nên cứ “trường kỳ mì gói”.
Cậu ấm, cô chiêu xuất ngoại
Nếu gia đình những HS có tiền của không đặt nặng vấn đề học ngoại ngữ của con thì cũng phải xem lại “nếp nhà”. Trong một chuyến đi không ngắn đã bộc lộ cách giáo dục con cái của nhiều gia đình. Một GV nhiều lần dẫn đoàn HS Việt đi du học hè than: Có cả trăm thứ phức tạp trong một chuyến đi. Đa phần các em là cậu ấm, cô chiêu nên cái “tôi” rất lớn. Đánh lộn, chửi lộn, lấy cắp tiền của nhau, tị nạnh nhau mua hàng hiệu. Có em mang tiền tiêu vặt chỉ 500 USD nhưng mới vài ngày đầu dám bỏ ra 300 USD mua một bộ tóc giả, trong cả tháng còn lại, chỉ vỏn vẹn 200 USD dằn túi. Các em chưa kiểm soát được tài chính nên hễ thích là mua hàng hiệu với giá vài trăm đô trở lên, xài lố phải mượn tiền thầy cô, bè bạn đi cùng.
Dù ở nhà dân hay ở ký túc xá, HS đều có cơ hội giao lưu kết bạn với người bản xứ, HS quốc tế nhưng nhiều em đã bỏ qua cơ hội tuyệt vời này. Các em thích tụm năm, tụm ba “tám” bằng tiếng Việt hơn là trò chuyện với người bản xứ. Các em cũng thích đi mua sắm, đóng cửa trong phòng chơi game hơn là tham gia những chuyến ngoại khóa, huấn luyện ngoài trời. Một trưởng đoàn du học hè đã “ngán” cảnh tháp tùng các cậu ấm, cô chiêu nên thẳng thừng từ chối lời mời dẫn đoàn HS du học hè năm 2011. Ông này kể lời phàn nàn về HS của hiệu trưởng một trường THPT ở Mỹ là so với các HS quốc tế khác, HS Việt Nam thiếu tự tin, yếu kỹ năng sống, không biết quản lý thời gian, đồ đạc và tiền bạc, kỹ năng hòa hợp với mọi người còn kém…
Hết cách, phía nước bạn đã chính thức đề nghị phía Việt Nam cần tập huấn kỹ lưỡng cũng như trang bị kiến thức trước chuyến đi, nhằm giúp các em nhanh chóng thích nghi với cuộc sống xa gia đình trong một thời gian. Trước hết phải cho HS làm quen với việc không ngủ trưa và tập… đi bộ (nhiều HS đi không nổi khiến trưởng đoàn phải cõng). Sau đó, phải xây dựng giá trị văn hóa dân tộc cho các em. Không ít HS vừa bước chân ra khỏi nước là chê Việt Nam, ca tụng nước ngoài. Đôi khi mong ước của cha mẹ không tiếc tiền cho con mở rộng tầm mắt đã thu lại “kết cục” buồn, khi con em họ nghĩ rằng mình giỏi hơn thiên hạ vì mình có bố mẹ giàu!
Hoặc liên hệ Hotline:
- AMEC Hà Nội (024)39411 891 – 39411890 – 39411892 hoặc 0914 863 466
- AMEC Đà Nẵng (02)36 396 7776 hoặc 0916 082 128
- AMEC Hồ Chí Minh (028) 6261 1177 – 6261 1188 – 6261 1199 hoặc 0909 171 388