Cuộc sống hiện thực của du học sinh không chỉ là màu hồng. Thậm chí ngay cả những bạn có gia đình khá giả, được chu cấp đầy đủ cũng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn không ngờ tới.
Du học từ lâu đã trở thành một khía cạnh không thể thiếu của giới học sinh, sinh viên Việt Nam, những con người thế hệ cuối 8x đầu 9x luôn khao khát được tiếp thu, trau dồi kiến thức. Nhiều bạn trẻ luôn hi vọng rằng cuộc sống xa nhà sẽ giúp họ trưởng thành hơn, có cơ hội được đi đây đó, hiểu biết xã hội và thậm chí còn đi làm thêm với lương cao hơn rất nhiều trong nước. Nhiều gia đình hi vọng rằng con em của mình sẽ tự lập, học hành tử tế và có một tấm bằng đại học mang cái mác “nước ngoài” để dễ dàng xin việc.
Thế nhưng, cuộc sống hiện thực của du học sinh không chỉ là màu hồng. Thậm chí ngay cả những bạn có gia đình kha giả, được chu cấp đầy đủ cũng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn không ngờ tới.
Sinh hoạt phí, nỗi lo muôn thủa
Bất kì du học sinh nào cũng phải chú ý tới một vấn đề chung, đó là tỉ giá ngoại tệ. Khi ngoại tệ tăng cao cũng đồng nghĩa với việc học phí và sinh hoạt phí trở thành một gánh nặng đè lên vai, kể cả khi kinh tế gia đình thuộc hàng giá khả. Theo V.A, một du học sinh Nhật bày tỏ: “Khi em đi cách đây 2 năm trước thì giá Yên chỉ có 130VNĐ, giờ lên tới 220VNĐ/yên, tiền học tự nhiên tăng gấp rưỡi mà chẳng dám mua cái gì vì cứ đổi ra tiền Việt thì quá đắt”. Tỉ lệ nghịch với giá ngoại tệ tăng cao là đời sống đi xuống, V.A thậm chí có tháng phải ăn toàn… da gà và mì gói để tiết kiệm cho gia đình.
Ngoài ra, việc học tập không tốt cũng là một nỗi lo vô cùng lớn vì các trường đại học nước ngoài hầu hết giáo dục theo môi trường hình thang. Có nghĩa là đầu vào thì cực kì dễ nhưng càng học càng khó và nhiều bạn không hình dung nổi bao giờ mới có thể… tốt nghiệp! Việc nợ môn, học trượt… đồng nghĩa với việc kéo dài thời gian học và tiền học phí, sinh hoạt phí càng trở thành một con số vô cùng lớn.
Homestay… cơn ác mộng
Nhiều gia đình khá giả lo con cái mình không chịu đựng được cuộc sống vất vả nên quyết định cho con em du học theo hình thức homestay, nghĩa là ở chung với một gia đình “tây”. Nhưng việc thích nghi với gia đình chủ cũng là một khó khăn rất lớn. Đa phần các du học sinh theo dạng ở homestay đều có gia đình điều kiện nên từ bé đã không quen với việc thay đổi môi trường. Như N.A hiện đang du học ở Vancouver, cậu đã phải gào thét xin mẹ cho ra ở riêng vì lý do gia đình chủ cho… ăn ít! Còn H.V, một cô bạn du học ở Úc cũng phải khốn khổ vì cậu con trai gia đình nhà chủ thường xuyên có những biểu hiện bất thường, lén rình mò nhìn trộm và hay có những lời lẽ khiếm nhã.
Du học, “du” hay “học”?
Hầu hết những du học sinh trước khi “lỡ bước đi tây” đều có chung một mục đích là cố gắng học tập. Nhưng cũng có những cậu ấm, cô chiêu vốn được nuông chiều từ nhỏ nên họ coi du học như một chuyến du lịch dài ngày. Được chuyển môi trường ăn chơi và nhất là không có ai quản lý, ngay lập tức họ tiếp thu với những thứ vật chất hào nhoáng.
Khi chơi nhiều hơn học… (Ảnh minh họa)
Thôi thì cái gì ở Việt Nam không có thì sang đây nhất định phải “thử”, với tâm lý tò mò và sẵn có “kho đạn” là bố mẹ ở nhà, những “du lịch sinh” này sớm trở thành những dân chơi mang cái mác đi tây. Và rồi, trong khi các du học sinh chân chính thực sự đang lao đầu vào làm thêm trong mỗi kì nghỉ dài hạn thì họ trở về đất nước với hàng tá những “kiến thức” chơi bời truyền thụ cho các “đồng nghiệp” ở nhà.
Và lừa lọc nhau?
Cùng hoàn cảnh xa gia đình, thế nhưng không phải ở đâu các du học sinh cũng đối xử tử tế với nhau. Thậm chí cuộc sống “góp gạo thổi cơm chung” cũng phát sinh nhiều mâu thuẫn và chỉ cần một chút sơ xuất lơ là, bạn cũng có thể bị lừa, bị đặt vào trong những hoàn cảnh dở khóc dở cười.
Một anh chàng ở Pháp là M.H thậm chí đã phải cáu lên với bạn cùng phòng vì lý do gian lận tiền hóa đơn đi chợ. Còn một cô bạn ở Sing là A.T thì cho bạn ở chung vay 2000$ nhưng đợi mãi mà không thấy bạn có dấu hiệu hoàn trả. Đến mức A.T phải gặng hỏi thì cô bạn kia trơ tráo, trở mặt hỏi lại: “Tao vay mày khi nào nhỉ?” Cũng chẳng biết phải giải quyết như nào vì chẳng lẽ ở chung với nhau lúc thiếu thốn giúp đỡ lại đòi giấy tờ vay nợ, A.T lại phải ngậm đắng gọi điện về nói dối bố là đánh mất tiền. Cô cũng chẳng dám giải quyết bằng bạo lực vì chỉ cần một chút dính dáng đến pháp luật cũng có thể có nguy cơ bị đuổi học, cắt visa, đồng nghĩa với việc về nước sớm.
Du học vốn được hiểu là “thiên đường” dành cho những ai muốn thể hiện cá tính và khả năng sống tự lập của mình, nhất là với những teen có kinh tế gia đình khá giả. Thế nhưng ngay cả khi được bố mẹ chu cấp đầy đủ vật chất thì các bạn vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Vì vậy, nếu bạn đang nung nấu ý định du học, hãy một lần nữa tự mình khẳng định rằng bản thân mình có thể sống tự lập. Hãy du học theo đúng ý nghĩa và luôn đề phòng trước những cám dỗ khi không có gia đình và bạn bè ở cạnh bên.
Hoặc liên hệ Hotline:
- AMEC Hà Nội (024)39411 891 – 39411890 – 39411892 hoặc 0914 863 466
- AMEC Đà Nẵng (02)36 396 7776 hoặc 0916 082 128
- AMEC Hồ Chí Minh (028) 6261 1177 – 6261 1188 – 6261 1199 hoặc 0909 171 388