Nếu bạn lần đầu du học tại các nước có nền giáo dục đại học hiện đại, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy họ khá lộn xộn trong suốt tháng đầu tiên nhập học. Sinh viên nháo nhào chạy đi ghi tên vào các cua, mua sách, nộp học phí, làm quen với các thiết chế của trường… Dưới đây là những kinh nghiệm từ các sinh viên có dịp du học ở các nước để bạn đỡ bỡ ngỡ khi sống trong môi trường sinh viên “Tây”.
Đa dạng
Sự đa dạng về phương pháp giáo dục đại học của họ khiến cho lúc đầu sinh viên cho rằng hình như không có một chương trình đào tạo chuẩn mực, có rất nhiều loại lớp học và không có hai lớp học giống nhau. Không khí lớp học ở các trường đại học tư khác với các trường công, các trường quốc gia không giống các trường địa phương. Mỗi trường có một hệ thống đào tạo của mình.
Chủ động
Khi học, bạn không chỉ đơn thuần chấp nhận những gì ông thầy nói, mà chính bạn cũng đang được ông thầy ấy chờ đợi bạn tham gia xây dựng bài học. Họ quan niệm, một buổi học chỉ có thể hình thành và thành công trên cơ sở tham gia của cả thầy lẫn trò, cả hai đóng vai trò ngang nhau.
Lúc này thầy chỉ là người hướng dẫn cả lớp thảo luận về đề tài của buổi học. Giảng viên tỏ ra thú vị và gật gù tán thưởng khi nhận được những câu hỏi và ý kiến phản biện từ sinh viên, tiếp đến họ yêu cầu sinh viên chứng minh ý kiến ấy và đưa ra giải pháp thực tiễn.
Cách học này đặc biệt được ứng dụng trong các môn khoa học xã hội và nhân vǎn. Tại các lớp về xã hội học hay tâm lý học chẳng hạn, sinh viên thường được giảng viên yêu cầu giải quyết vấn đề, lập kế hoạch nghiên cứu theo từng nhóm ba hoặc bốn người, nhóm này cạnh tranh với nhóm kia, tạo không khí hào hứng.
Trong nhóm, bao giờ cũng có một người đóng vai trò phát ngôn để trình bày kết quả làm việc của nhóm mình và trả lời câu hỏi của nhóm khác. Tất cả các thành viên trong nhóm đều cùng làm việc, ngay cả khi bạn không muốn hoặc không quen với cách này. Thầy giáo thường bắt đầu bằng câu nói: “Nào chúng ta cùng ngồi lại với nhau”.
Độc lập
Việc học là trách nhiệm của sinh viên, bởi vậy giảng viên thường giao cho họ những tài liệu tham khảo khá dài và yêu cầu mang về đọc, tự tìm kiếm thông tin giống như đã làm với các bài học trên lớp.
Những ai học vì động cơ lợi ích thúc đẩy chứ không vì điểm số sẽ được đánh giá cao. Các ông thầy sẵn sàng cho điểm cao những sinh viên như thế, mặc dù họ trả bài không như những gì đã học trên lớp.
Có những bài tập được giao về nhà làm, và không chấm điểm, nhưng sinh viên vẫn được yêu cầu phải hoàn thành tốt.
Khi giao một đề tài nghiên cứu cho sinh viên, ông thầy thường chờ đợi ở họ sự độc lập làm việc và hoàn thành chỉ với một chút hướng dẫn của thầy. Thầy vẫn sẵn sàng giúp sinh viên, nhưng thích hơn là sự chủ động. Bản thân thầy còn khá nhiều việc phải làm như nghiên cứu, viết sách, hành chính sự vụ, do đó thời gian dành cho sinh viên mà mình hướng dẫn không nhiều.
Hệ thống danh dự
Hệ thống này đòi hỏi sinh viên phải trung thực trong học tập, coi đó là danh dự của mình. Sinh viên không được phép gian dối trong các bài kiểm tra, sao chép tài liệu, trích dẫn ý kiến người khác mà không được họ đồng ý, nhờ người làm hộ bài…
Vi phạm hệ thống danh dự có thể dẫn tới việc sinh viên bị đánh trượt trong các kỳ thi, có hồ sơ trong sổ đen được lưu giữ ở máy tính, và nếu tái phạm có thể bị trục xuất khỏi trường. Bản thân sinh viên vi phạm cũng cảm thấy rất xấu hổ với bạn bè.
Khi sinh viên bắt đầu làm bài thi, thường giáo nên nói: “Tôi trông đợi tất ca các bạn tôn trọng hệ thống danh dự”.
Cạnh tranh
Quan hệ giữa các sinh viên vừa là cộng tác, vừa là cạnh tranh. Một số lớp học sử dụng cách xếp hạng sinh viên theo Top 10 hoặc Top 5, nên ở những lớp này sinh viên thường miễn cưỡng chia sẻ các ghi chép về bài giải hoặc thông tin.
Thứ hạng bằng tốt nghiệp của sinh viên ảnh hưởng rất lớn đến công việc và thu nhập sau này, nên tính cạnh tranh càng cao. Trong hệ thống các trường cũng luôn cạnh tranh thứ tự trong bảng xếp hạng các trường Đại học.
Quan hệ thầy trò
Người ta tin rằng, môi trường thân mật và thư giãn của lớp học có lợi cho việc học của sinh viên và tạo hiệu quả sáng tạo tối đa. Vì thế sinh viên thường có quan hệ bình đẳng và thân thiện với giảng viên.
Ngoài giờ học, họ có thể mời nhau uống cà phế, chơi thể thao, thiết lập những mối quan hệ xã hội bên ngoài giảng đường. Chính điều đó đã làm một số sinh viên ta nhầm tưởng là có thể bê nguyên vẹn những quan hệ bên ngoài này vào lớp học, để rồi thất vọng khi thấy ông thầy dường như đổi khác.
Ông thầy vừa uống cà phê với mình ngoài hiệu nhưng ngay sau đó lại đòi hỏi một bài kiểm tra có chất lượng. Thực tế, thầy vẫn là thầy khi ở trong lớp với những giới hạn không thể vượt qua. Với họ, xã hội là xã hội và lớp học là lớp học. Điều cần nhớ ở đây là mối quan hệ phụ thuộc vào hoàn cảnh, sinh viên phải biết tự điều chỉnh cho phù hợp.
Hoặc liên hệ Hotline:
- AMEC Hà Nội (024)39411 891 – 39411890 – 39411892 hoặc 0914 863 466
- AMEC Đà Nẵng (02)36 396 7776 hoặc 0916 082 128
- AMEC Hồ Chí Minh (028) 6261 1177 – 6261 1188 – 6261 1199 hoặc 0909 171 388