Ngoài các điều kiện vật chất cần phải có để thu hút đội ngũ giảng viên, một hệ thống tài trợ cho nghiên cứu có hiệu quả cũng là điều kiện cần. Những nguyên tắc tiên quyết để xây dựng được một hệ thống như thế này đã được nói đến trong một báo cáo của Vannevar Bush vào năm 1945 – lúc đó ông đang là cố vấn khoa học cho Tổng thống Mỹ Harry Truman.
3 nguyên tắc từ báo cáo của Vannevar Bush
Báo cáo này đã thừa nhận rằng, rút cục thì các khám phá trong lĩnh vực khoa học cơ bản vẫn là nền tảng cho sự phát triển của công nghệ trong ngành công nghiệp. Song báo cáo này cũng lưu ý, những thành quả kinh tế đạt được từ sự tiến bộ trong lĩnh vực khoa học cơ bản thường không được áp dụng cho nhiều thập kỉ.
Các tiến bộ đó thường mang lại những kết quả không thể dự kiến trước được trong thời kì của những đột phá về khoa học. Ví dụ như khi tia laser được phát minh ra lần đầu tiên vào cuối những năm 50 thì không ai có thể tưởng tượng được nó sẽ hữu ích trong các cuộc phẫu thuật mắt trong vài thập kỷ sau đó.
Do nhà phát minh đầu tiên ra sản phẩm hiếm khi có thể hiểu hết được những lợi ích kinh tế mà sản phẩm đó mang lại nên các công ty tư nhân thường không có đủ động lực để đầu tư vào những nghiên cứu hữu ích cho xã hội. Và Chính phủ phải là người vào cuộc.
Báo cáo năm 1945 của Bush đã đưa ra một bản phác thảo cho Chính phủ Mỹ trong việc ủng hộ nghiên cứu khoa học. Nó được xây dựng dựa trên 3 nguyên tắc vẫn còn được áp dụng đến nay.
Thứ nhất, chính phủ liên bang là cơ quan phải chịu trách nhiệm lớn nhất về việc tài trợ cho lĩnh vực khoa học cơ bản.
Thứ hai là các trường đại học là cơ quan chủ chốt chịu trách nhiệm tiến hành các nghiên cứu được chính phủ tài trợ, chứ không phải là các phòng thí nghiệm do chính phủ điều hành, các cơ quan nghiên cứu không có chức năng đào tạo hay các công ty tư nhân.
Thứ ba là mặc dù chính phủ quyết định tổng số tiền tài trợ cho các lĩnh vực khoa học khác nhau, song các chương trình và dự án cụ thể không được đánh giá dựa trên những lý do thương mại hay chính trị, mà phải thông qua một tiến trình xem xét mang tính cạnh tranh của các chuyên gia trong ngành. Trong tiến trình này, các chuyên gia cũng sẽ đưa ra những đề xuất vinh danh các sáng kiến xuất sắc trong lĩnh vực của họ.
Hệ thống này đã đạt được những thành công hiếm thấy. Nó có một lợi ích là đưa các nhà khoa học đang nghiên cứu đến với những phạm vi và công nghệ tiên tiến nhất của ngành nghiên cứu. Nó cho phép những sinh viên chưa tốt nghiệp chứng kiến trực tiếp các công nghệ khoa học, hơn là chỉ đơn thuần đọc những mốc lịch sử của những thập kỷ trước trong sách giáo khoa. Và đồng nghĩa với việc các nghiên cứu xuất sắc nhất sẽ nhận được tài trợ, chứ không phải tiền tài trợ chỉ dành cho những nghiên cứu nhận được đề xuất từ các thành viên kỳ cựu nhất trong đội ngũ giảng viên của khoa hay từ những nhân vật có liên quan đến chính trị.
Nguyên tắc nào của châu Á?
Đây không phải là cách làm điển hình ở châu Á để tạo điều kiện cho công việc nghiên cứu. Từ trước tới giờ, hầu hết các nghiên cứu khoa học ở những nước này đều được tiến hành ở ngoài phạm vi các trường đại học. Chúng được thực hiện trong các cơ quan nghiên cứu và các phòng thí nghiệm của chính phủ.
Ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, tiền tài trợ chủ yếu được chuyển trực tiếp đến bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D), chỉ một phần rất nhỏ được đưa tới ngành khoa học cơ bản. Ví dụ như ở Trung Quốc, chỉ có 5% số tiền chuyển tới R&D được sử dụng cho khoa học cơ bản, so với 10 – 30% ở các nước phát triển khác. Như một phần đóng góp của GDP, Mỹ chỉ gấp 7 lần Trung Quốc cho khoa học cơ bản.
Ngoài ra, ở hầu hết các quốc gia châu Á, tiến trình đánh giá các nghiên cứu của những chuyên gia trong nghề hiếm khi được thực hiện.
Theo truyền thống thì Nhật Bản dành phần lớn tiền tài trợ cho nghiên cứu của các nhà khoa học kì cựu nhất. Mặc dù cách đây vài năm, Tokyo đã thừa nhận rằng nên dành số tiền tài trợ lớn hơn cho các nghiên cứu xuất sắc khác dựa theo sự đánh giá của các chuyên gia trong nghề. Số tiền tài trợ mà Nhật chi cho các nghiên cứu không được tiến hành bởi các nhà khoa học có tên tuổi và phụ thuộc vào sự đánh giá của các chuyên gia vào năm 2008 chỉ dừng ở 14%, trong khi đó ở Mỹ là 73%.
Không nghi ngờ gì về việc chính phủ các quốc gia châu Á đã dành sự ưu tiên cho R&D. Số tiền chi cho R&D của Trung Quốc đã tăng nhanh trong những năm gần đây, từ 0,6% tổng số GDP cả nước vào năm 1995 lên tới 1,3% vào năm 2005. Con số đó vẫn còn thấp so với những quốc gia tiến bộ hơn, song nó còn có khả năng tiếp tục tăng.
Chính phủ Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu là sẽ tăng R&D tới 2,5% GDP vào năm 2020. Cũng đã có một vài bằng chứng chứng minh rằng số tiền đầu tư cho nghiên cứu ở Trung Quốc đã tăng. Ví dụ như từ năm 1995 đến 2005, các học giả của nước này đã xuất bản nhiều hơn gấp 4 lần các bài viết trên những tờ báo khoa học, kỹ thuật đầu ngành. Chỉ có Mỹ, Anh, Đức và Nhật là vượt được con số này.
Theo Vietnamnet.vn
Hoặc liên hệ Hotline:
- AMEC Hà Nội (024)39411 891 – 39411890 – 39411892 hoặc 0914 863 466
- AMEC Đà Nẵng (02)36 396 7776 hoặc 0916 082 128
- AMEC Hồ Chí Minh (028) 6261 1177 – 6261 1188 – 6261 1199 hoặc 0909 171 388