Chặng đua cuối – dốc hết sức
“Học kỳ cuối – chạy nước rút mà nên mình phải cố gắng cho xong, tập trung toàn lực cho việc học. Những việc khác như làm thêm, tham gia hoạt động sinh viên tạm gác lại trong giai đoạn này”, Phương, sinh viên năm cuối ngành Tài chính Đại học La Trobe, chia sẻ.
Một năm học tại Úc thường gồm hai học kỳ chính, bắt đầu vào cuối tháng Hai và cuối tháng Bảy. Bên cạnh đó còn có học kỳ hè và một số trường như Swinburne có cả học kỳ đông. Một học kỳ thường gồm 13 tuần, mỗi học kỳ sinh viên quốc tế được đăng ký bốn môn học. Với bậc đại học thì sinh viên học trong khoảng ba đến bốn năm.
Còn chương trình thạc sĩ thì kéo dài từ một năm rưỡi đến hai năm. Tất bật với các bài tập, học nhóm, thuyết trình bên cạnh kỳ thi chính cuối học kỳ, ngoảnh đi ngoảnh lại, 13 tuần đã hết vèo; năm đầu tiên nhiều bỡ ngỡ, năm hai… rồi thoáng đó năm cuối đã ‘đứng’ trước mặt. Học kỳ nào cũng như học kỳ nào, những tưởng chỉ có ngần ấy môn thì chắc học kỳ cuối cũng bình thường thôi. Tuy nhiên, Phương lập luận: “Những môn học chính thì Phương cũng đăng ký học từ các học kỳ trước rồi, học kỳ này chỉ còn lại những môn đơn giản thôi. Thế nhưng, tâm lý mà, vì là học kỳ cuối nên mình không muốn bị vướng môn nào cả.”
Người ở – nhiều áp lực
Chuyện ở hay về sau khi hoàn thành khóa học cũng là cả một trời suy nghĩ đối du học sinh Việt Nam. Với những sinh viên du học bằng học bổng của chính phủ thì việc trở về nước không còn vấn đề gì để bàn cãi. Thế nhưng đối với khoảng 90% còn lại du học tự túc thì lắm chuyện để mà nói. Người chọn ở lại và người đi về lại cũng có những mối quan tâm và lo lắng khác nhau
Với những ai chọn ở lại, cùng cái gánh học hành năm cuối, hai vấn đề chính là xin visa thường trú (permanent resident – PR) và tìm việc làm luôn nằm trong danh sách những vấn đề ưu tiên hàng đầu. Trước tiên, để đạt đủ số điểm 120 để xin ở lại cũng không phải đơn giản: nào điểm IELTS, ai có người thân bảo lãnh thì thêm được 15 điểm, ai không có thì phải cố thi cho đạt điểm IELTS 7.0 với tất cả các môn đều bảy điểm; nếu không đạt thì cũng ráng mà học thêm một năm khóa học ‘Professional Year’ để có thêm 10 điểm; rồi phải hoàn thành cho xong khóa học của mình, rồi kinh nghiệm làm việc… v.v. Cái quá trình tính toán tích lũy cho đủ điểm này không phải hoàn thành trong một sớm một chiều mà đã được chuẩn bị ngay từ khi chọn ngành học.
Ngoài ra, “với Phương, trước PR thì mình phải xin được công việc nữa. Khoảng tháng Tư là Phương bắt đầu rải đơn đến các công ty để xin việc. Thông thường, sinh viên thi vào tháng Sáu. Sau khi thi xong, số lượng người tìm việc sẽ rất nhiều. Chuẩn bị trước từ bây giờ thì khi học xong, cơ hội có việc làm sẽ nhiều hơn”, Phương cho biết.
Học hành, xin PR, công việc sau khi tốt nghiệp với du học sinh năm cuối quyết định ở lại quả là lắm áp lực. Không còn những bỡ ngỡ ban đầu, cũng không chỉ là vượt chướng ngại vật trên hành trình du học nữa mà là về đích. Quyết tâm, kỷ luật, có kế hoạch và biết tổ chức mọi việc khoa học sẽ giúp các bạn không bị rối trong chặng đua cuối này.
Người về – lắm băn khoăn
“Bên cạnh việc học, mình tranh thủ thời gian còn lại ở Úc để tận hưởng tất cả. Đến lúc về rồi, mấy khi có cơ hội trở lại đây”, Loan, sinh viên năm cuối chương trình Thạc sĩ ngành Tiếp thị Đại học Công nghệ Sydney (UTS – University of Technology Sydney), cho biết.
Tuy nhiên, với những ai quyết định trở về Việt Nam sau khi tốt nghiệp thì không phải là không có áp lực, “có điều là những áp lực này khác so với các bạn chọn ở lại”, Loan phân tích.
Sau một thời gian sinh sống và học tập tại một đất nước khác, nhu cầu tái hòa nhập lại với cuộc sống ở quê nhà là rất quan trọng. Người ta thường gọi đó là shock văn hóa ngược, nhưng tùy thuộc vào mỗi người mà vấn đề này có ảnh hưởng ít nhiều khác nhau. “Với những bạn trẻ mới học đại học, chưa từng đi làm thì việc tái hòa nhập lại với môi trường Việt Nam có thể sẽ khác. Còn với Loan, mình đã từng làm việc tại Việt Nam thì việc hòa nhập trở lại cũng không phải là vấn đề lớn. Sydney cũng có nhiều nét giống TP.HCM, chỉ có khác là khác con người, cảnh vật và môi trường sống”, Loan nói.
Bên cạnh đó, tình trạng nửa muốn về mà nửa muốn ở cũng khiến một số du học sinh băn khoăn. “Mình đã phân tích rõ ràng và biết trái tim mình hướng về phía nào nhưng quyết định cuối cùng thì vẫn chưa. Đi du học tự túc thì chi phí khá tốn kém và mình cũng muốn kiếm lại được phần nào số tiền đã bỏ ra. Có lẽ là phải đợi đến kỳ nghỉ, tranh thủ về Việt Nam để thăm dò xem tình hình thế nào thì mình mới có được quyết định cuối cùng”, Hân hiện đang học tại Đại học New South Wales, phân vân.
Hoặc liên hệ Hotline:
- AMEC Hà Nội (024)39411 891 – 39411890 – 39411892 hoặc 0914 863 466
- AMEC Đà Nẵng (02)36 396 7776 hoặc 0916 082 128
- AMEC Hồ Chí Minh (028) 6261 1177 – 6261 1188 – 6261 1199 hoặc 0909 171 388