Hợp tác giáo dục và những thành công trên nhiều phương diện đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong 15 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ từ 1995 đến nay. Như một nhịp cầu kết nối, góp phần không nhỏ vào tiến trình hợp tác này là Đại học công nghệ Texas, nơi có Trung tâm Việt Nam, một trung tâm lưu trữ và nghiên cứu về lịch sử Việt Nam lớn nhất Hoa Kỳ với hàng chục triệu tư liệu quý giá, trong đó có bản gốc cuốn Nhật Ký Đặng Thuỳ Trâm. Nhân kỷ niệm 15 năm quan hệ Việt – Mỹ, nhà văn Văn Cầm Hải đã có cuộc trao đổi với nhà tương lai học, tiến sỹ Raph Ferguson – Giám đốc Điều hành Quản lý tuyển sinh và Phó chủ nhiệm khoa đào tạo sau đại học Đại học công nghệ Texas – bài viết dành riêng cho Đại Đoàn Kết thứ bảy.
Nhà văn Văn Cầm Hải: Điều gì làm ông quan tâm nhất trong việc hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Mỹ nói chung và trường ĐH công nghệ Texas nói riêng với các trường đối tác Việt Nam?
– TS Raph Ferguson: Đại học công nghệ Texas có thế mạnh trên cả hai lĩnh vực, khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội nhân văn. Khi liên hệ với các trường đại học ở Việt Nam, tôi quan tâm đến ngành đào tạo kinh doanh vì một trong những động lực giúp đất nước Việt Nam phát triển là nhờ vào môi trường kinh doanh thuận lợi. Công việc kinh doanh sẽ làm tốt các nhiệm vụ hoạch định chính sách tài chính bền vững cho các nhà đầu tư, giúp họ đi đúng hướng trong các lĩnh vực họ muốn đầu tư. Bên cạnh đó, việc kinh doanh nhất định sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán ở Việt Nam ngày càng mang tính chuyên nghiệp và ổn định để thu hút các nhà đầu tư trên thế giới. Đây chính là những yếu tố giúp Việt Nam trở thành một quốc gia giàu mạnh ở vùng Đông Nam Á. Có mối liên hệ chặt chẽ và đồng bộ giữa kinh doanh và các ngành khoa học xã hội-kỹ thuật công nghệ như nông nghiệp, sinh học, sinh hóa… sẽ tham gia vào việc kích thích sự tăng trưởng kinh tế. Tất cả những yếu tố tích cực này là nền tảng tạo ra một nền kinh tế mạnh và xây dựng một mạng lưới đào tạo có chất lượng cao.
Một mạng lưới đào tạo chất lượng cao đòi hỏi sự gắn kết giữa hai bên. Để có sự nối kết này chúng ta cần phải làm gì để xóa đi quan niệm rằng, Việt Nam “cần sự giúp đỡ” mà quên đi rằng các nước khác cũng cần hợp tác bình đẳng với Việt Nam mới có thể tạo nên một sự hợp tác mang lại lợi ích song phương?
– Sinh viên Việt Nam đến Mỹ học tập là hết sức quan trọng vì rằng họ sẽ được đào tạo xuyên suốt ở nhiều cấp độ đại học và sau đại học, để họ nắm vững kiến thức mới với nhiều loại hình khác nhau không chỉ trong kinh tế mà còn ở nhiều lĩnh vực khác. Tôi nghĩ rằng, sinh viên Việt Nam đến Mỹ học cũng quan trọng như sinh viên Mỹ đến Việt Nam học tập. Chúng tôi đến Việt Nam để học và biết các yếu tố tự nhiên như đất đai thổ nhưỡng, khí hậu nhiệt đới và các yếu tố lịch sử, kinh tế văn hóa xã hội. Có như vậy chúng tôi mới có cơ hội cập nhật thông tin và kiến thức về Việt Nam, vạch ra những chương trình hợp tác ngày càng hữu hiệu trong tương lai. Tôi cho rằng, sự giao lưu học tập của sinh viên hai nước sẽ tạo dựng nền tảng hiểu biết và chia sẻ giá trị giữa hai nền văn hóa để hình thành những cơ chế hợp tác có hiệu quả hơn trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và các lĩnh vực hợp tác khác. Một trong những điều quan trọng là Việt Nam cần tạo điều kiện và nâng cao chương trình giảng dạy ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh cho học sinh để khi họ đến Mỹ không phải mất thời gian cho việc học tiếng Anh ít nhất là từ 6 tháng đến 1 năm, hoặc thậm chí là 2 năm mới có thể học tập được các chương trình giảng dạy ở lớp học.
Vai trò của Việt Nam trong chiến lược giáo dục của Mỹ nằm ở cấp độ nào? Cái gì là mấu chốt của việc xác định vai trò và triển khai các chiến lược đó? Bản thân Đại học công nghệ Texas đã làm và sẽ làm những gì để hiện thực hóa chiến lược hợp tác với các đối tác Việt Nam?
– Khi xác định vai trò của Việt Nam trong chiến lược phát triển giáo dục, điều đầu tiên là phải biết được nhu cầu của các cộng đồng địa phương của Việt Nam. Trên tất cả mọi điều đó, cần một sự nối kết và tôi nghĩ rằng, Đại học công nghệ Texas, Trung tâm Việt Nam và Bộ GD & ĐT Việt Nam có thể nối kết với nhau để hình thành những mô hình hợp tác cụ thể với những ý niệm đào tạo các ngành nghề hỗ trợ cho việc xây dựng, lắp ráp các nhà máy, công nghiệp du lịch, y tế nhằm giúp Việt Nam sớm trở thành một đối tác quốc tế trên các lĩnh vực ngân hàng, chế tạo và cả du lịch. Chúng tôi đã có những thỏa thuận ghi nhớ với các trường đại học Việt Nam đưa sinh viên sang Mỹ học theo các chuyên ngành khoa học kỹ thuật. Ví dụ chúng tôi tham gia vào dự án Mekong-1000 đưa sinh viên Việt Nam sang để đào tạo. Tôi nghĩ đây là một dự án rất quan trọng của Việt Nam đối với việc đào tạo nguồn nhân lực, đưa sinh viên ra nước ngoài học tập và trở về xây dựng đất nước.
Thưa ông, Đại học công nghệ Texas có chính sách ưu tiên gì đối với các đối tượng học tập đến từ Việt Nam?
– Chúng tôi có những ưu tiên khi ký kết với Bộ GD- ĐT Việt Nam để đón nhận sinh viên Việt Nam đến đại học công nghệ Texas học tập. Một trong những nguyên nhân mà chúng tôi tham gia vào quá trình hỗ trợ này là thông qua những hoạt động của Trung tâm Việt Nam do giáo sư James Rẹcner thành lập. Trung tâm Việt Nam có học bổng tài trợ cho sinh viên Việt Nam và xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp với các cơ sở giáo dục ở Việt Nam, nâng cao các mức độ hợp tác đào tạo. Với sự hiện diện của Trung tâm Việt Nam tại đây, sinh viên Việt Nam sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn trong việc thiết lập quan hệ, hòa nhập và tổ chức tốt công việc học tập, nghiên cứu trong môi trường mới. Chúng tôi có các mối quan hệ, quỹ thời gian, chương trình nghiên cứu, thực hành các kỹ năng trên cơ sở xây dựng các chương trình giảng dạy hợp lý, phù hợp với khả năng của sinh viên và thực tế cuộc sống, có những học bổng dành cho sinh viên sau đại học giúp họ đi nghiên cứu thực tế và hoàn tất công trình nghiên cứu của mình.
Ông có thể nói rõ hơn một chút về những kinh nghiệm giúp sinh viên Việt Nam chọn các trường của Mỹ một cách đúng đắn, cũng như những ưu điểm đặc biệt của đại học công nghệ Texas hiện có?
– Khi sinh viên Việt Nam đến Mỹ, điều đầu tiên mà các bạn cần làm là kiểm tra kỹ website của trường mà các bạn định đến học, tìm hiểu học phí, giá cả thuê nhà và ăn uống. Khi đến đây họ cần tạo ra các mối quan hệ với cộng đồng địa phương. Trường đại học công nghệ Texas là một trường công lập nên chúng tôi có những chương trình, dự án được sự hỗ trợ của chính phủ. Đặc biệt là chính sách trả học phí theo tiêu chuẩn sinh viên trong tiểu bang. Sự hỗ trợ tài chính của chương trình rất quan trọng vì rằng thay vì bạn phải trả 6 đến 7000 cho 3 khóa học thì bạn chỉ cần trả từ 1.500 đến 3.000 USD mà thôi.
Là một nhà quản lý giáo dục, ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm đã làm nên sự thành công của giáo dục Mỹ? Những yếu tố nào Việt Nam có thể học hỏi để xây dựng cho mình một nền giáo dục chất lượng cao?
– Một trong những nguyên nhân làm cho nền giáo dục Hoa Kỳ trở thành một nền giáo dục năng động nhất thế giới, bởi sự luôn hướng đến việc trả lời cho câu hỏi chúng ta là ai gắn liền với cải thiện chất lượng cuộc sống. Không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục mà yếu tố quan trọng nhất để xây dựng là cấu trúc của nó. Cấu trúc, có thể nói là vấn đề mấu chốt làm nên một nền giáo dục chất lượng cao. Cấu trúc đó được xác định trên cơ sở kết hợp giữa nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa xã hội với môi trường đào tạo. Xây dựng nhà máy sản xuất máy tính, nhất định sẽ nảy sinh nhu cầu đào tạo kỹ sư thiết kế. Xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, cần phải có đội ngũ kỹ sư nông nghiệp hiểu biết mùa màng và gia súc. Bám sát nhu cầu cuộc sống, giáo dục sẽ không tụt hậu mà ngược lại nó còn là động lực phát triển cho nền kinh tế xã hội. Kiến thức không những phục vụ mà nó còn bao hàm cả tính sáng tạo và định hướng cho sự phát triển. Tôi nghĩ rằng, bước đầu tiên mà các bạn cần làm cũng như chúng tôi đã làm đó là tham quan, học tập những kinh nghiệm mới trên khắp thế giới. Những kiến thức mới được áp dụng vào thực tiễn sẽ là yếu tố làm nên cuộc cách mạng về giáo dục và xã hội. Lý thuyết chỉ có thể hữu hiệu nếu nó được áp dụng một cách thành công vào đời sống thực tế, đó là cách thức đóng góp của một nền giáo dục đào tạo tiên tiến.
Hoặc liên hệ Hotline:
- AMEC Hà Nội (024)39411 891 – 39411890 – 39411892 hoặc 0914 863 466
- AMEC Đà Nẵng (02)36 396 7776 hoặc 0916 082 128
- AMEC Hồ Chí Minh (028) 6261 1177 – 6261 1188 – 6261 1199 hoặc 0909 171 388