Cuộc điều tra về giới trẻ tuổi từ 14 đến 25 tại 63 tỉnh thành cho thấy, giới trẻ ngày nay có điều kiện sống tốt hơn nhiều độ tuổi cách đây 5 năm, song mức độ buồn chán cũng tăng lên đáng kể.
Thêm tiện nghi, thêm khép kín
“Họ sống trong các gia đình có sở hữu các tài sản quan trọng, đặc biệt là những tài sản giúp tiếp cận thông tin cùng những tài sản giúp cho việc đi lại dễ dàng hơn như xe máy, ô tô hay những tài sản giúp cải thiện điều kiện sống khác như điều hòa, quạt điện, tủ lạnh” – PGS.TS Vũ Mạnh Lợi, Viện Xã hội học (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), một trong những tác giả báo cáo điều tra này cho hay.
Trong lần khảo sát lần thứ nhất cách 5 năm, không có câu hỏi về ô tô và internet. Lần này, có 2% cho biết gia đình mình có ô tô và 11% lướt mạng tại nhà được.
Nhìn tổng thể, nhóm nghiên cứu thấy rằng ’sự gắn tỏ ra có nhiều cải thiện”, nhưng giới trẻ ngày nay có xu hướng ít tâm sự khó khăn của mình, đặc biệt là các câu chuyện tình yêu, tình dục, hôn nhân với các thành viên trong gia đình.
Thậm chí, có những khía cạnh trong mối quan hệ này không có lợi cho sự phát triển nhân cách của vị thành niên.
Có 41% “đồng ý” và 29% “đồng ý một phần” với nhận định “khi khó khăn, bạn cảm thấy nói chuyện với người ngoài dễ hơn nói chuyện với người trong gia đình”. 36% các bạn từ độ tuổi 12 -18 nhận thấy trong gia đình mình, mỗi người sống theo một cách riêng.
Càng trẻ, càng dễ buồn chán
Nhóm làm việc đã có khảo sát riêng về “sự buồn chán và dồn nén” trong giới trẻ. Trạng thái này được đánh giá qua sự trải nghiệm bản thân như buồn chán, thấy vô giá trị, thất vọng, muốn tự tử.
Kết quả cho thấy, 73,1% từng có cảm giác buồn chán; 27,6% từng “rất buồn”, thấy mình vô tích sự đến nỗi không muốn hoạt động như bình thường. Có tới 21,3% từng thất vọng hoàn toàn về tương lai và 4,1% nảy sinh ý nghĩ tự tử.
PGS.TS Vũ Mạnh Lợi cho hay, so với 5 năm trước đó, tỷ lệ thanh thiếu niên trải qua cảm giác buồn chán đã tăng lên, từ 32% đến 73%.
Điều đáng chú ý, càng trẻ, cảm giác buồn chán lại càng nhiều hơn các nhóm tuổi khác. Có tới 75% người được hỏi trong độ tuổi 14 – 17 và 18 – 21 từng trải qua trạng thái đó, trong khi ở nhóm tuổi 22 – 25 là hơn 65%.
Bạn đời và thầy cô khiến… giới trẻ dễ buồn chán
Từ 2003 đến 2008 – Độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu tiên từ 19,6 giảm xuống 18,1 -Khảo sát lần thứ nhất không có câu hỏi về ô tô và internet -Tỷ lệ “có bao giờ cảm thấy buồn chán” tăng từ 32,6% đến 73,1% – Điểm số lạc quan tăng từ 2,8 lên 3,2 |
Khi phân tích mối quan hệ giữa sự gắn kết gia đình của giới trẻ ở độ tuổi 12 – 18, nhóm nghiên cứu nhận định rằng sự gắn kết càng cao thì mức độ trải qua cảm giác buồn chán càng thấp. Ở những gia đình gắn kết yếu, con cái dễ rơi vào sự buồn chán cao hơn 11% so với gia đình mà các thành viên có kết nối tốt hơn.
Đáng chú ý, môi trường học tập có ảnh hưởng khá nhiều đến trạng thái tinh thần của nhóm dân số này.
Tỷ lệ buồn chán ở nhóm thanh thiếu niên cho rằng giáo viên đối xử không công bằng với học sinh là 30,9%, gấp 2,4 lần nhóm nhận được sự đối xử công bằng. Trong hơn 1.000 người có quan điểm “chương trình học hiện nay quá tải với bản thân” thì 23% cũng buồn chán về điều này.
Sự hài lòng về công việc cũng như được làm đúng ngành cũng đóng vai trò quan trọng với sức khỏe tinh thần của giới trẻ. Bên cạnh đó, các yếu tố ảnh hưởng tới sự buồn chán cũng được xem xét như: bạo lực ngoài đường (đánh nhau, gây rối trật tự…) và sử dụng chất gây nghiện.
Nguyên nhân cơ bản nhất có lẽ là hạnh phúc gia đình, với kết quả thanh thiếu niên gặp bất trắc trong hôn nhân buồn chán hơn các đối tượng khác gấp 3 lần.
Điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam (SAVY) lần thứ 2 do Tổng cục Dân số và Tổng cục Thống kê với hơn 10.000 mẫu khảo sát ở 63 tỉnh thành, tiến hành từ năm 2008, và công bố vào tháng 6/2010. SAVY này cách lần thứ nhất 5 năm.
Dân số Việt Nam là dân số trẻ, với trên 20 triệu người ở độ tuổi 14 – 25.
Khi rảnh rỗi, nhiều người xem ti vi nhất Khảo sát 13 hoạt động giải trí của giới trẻ lúc rảnh rổi, tỷ lệ xem ti vi chiếm nhiều nhất: Xem ti vi (96,8%), nghe nhạc (90,8%), đi chơi với bạn bè/người yêu (85,4%), đọc sách (77,1%), chơi thể thao (60,9%), sử dụng Internet (45%), tham gia các hoạt động xã hội (44%), chơi game (38,2%), uống rượu bia (27,5%), đi xem phim, văn nghệ (25,5%), đến các trung tâm giải trí (21,8%), tham gia các câu lạc bộ thể thao (20,3%), đánh bạc (3,3%). |
Theo Vietnamnet.vn
Hoặc liên hệ Hotline:
- AMEC Hà Nội (024)39411 891 – 39411890 – 39411892 hoặc 0914 863 466
- AMEC Đà Nẵng (02)36 396 7776 hoặc 0916 082 128
- AMEC Hồ Chí Minh (028) 6261 1177 – 6261 1188 – 6261 1199 hoặc 0909 171 388