HÀ NỘI

(024) 3 941 1891/2 - 0914 863 466

ĐÀ NẴNG

(023) 6 396 7776 - 091 608 2128

HỒ CHÍ MINH

(028) 6261 1177 - 0909 171 388

Buồn vui kinh nghiệm thuê nhà trọ của du học sinh Úc

Trong muôn vàn mối lo của du học sinh, chỗ ở có lẽ là quan tâm số 1, bởi có an cư thì mới lạc nghiệp như ông bà ta thường nói.

Dưới đây là chia sẻ của du học sinh Úc về những trải nghiệm tìm nhà trọ khi du học ở xứ sở Kanguru…

Ở homestay: Không chỉ có màu hồng

Gặp tôi tại thư viện trường, Quỳnh Giao – sinh viên (SV) đại học (ĐH) Latrobe không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm khi biết tôi có ý định viết về vấn đề ở homestay (ở trọ cùng với chủ nhà). “Đó quả thật là địa ngục, giờ nghĩ lại vẫn còn thấy sợ, phải nói để mọi người đi sau rút kinh nghiệm”, Giao thẳng thắn bày tỏ.

Theo bạn, trước khi lên đường du học, Giao được một công ty tư vấn du học tại TPHCM giới thiệu đến ở homestay tại Melbourne với nhiều tiêu chí hấp dẫn: nhà gần trường (cách trường 15 phút đi xe buýt), chủ nhà là dân địa phương nên sẽ thuận lợi cho việc giao tiếp tiếng Anh… Ngày đầu đến Úc, Giao ngỡ ngàng với các quy định đặt ra từ phía chủ nhà: tiền Internet đóng riêng với tiền nhà (40 đô/tháng/người), Internet không được vào yahoo cũng như check mail bằng yahoo để… tiết kiệm dung lượng (trong khi tại Úc, chỉ với 100 đô/tháng, một gia đình có thể xài 150GB/tháng với tốc độ nhanh); đi tắm không quá 4 phút, đèn nhà chỉ được mở đến 23h30! Vậy là có ban đêm đi vệ sinh Giao phải cầm đèn pin mò mẫm trong bóng đêm, vì chủ nhà đã cúp điện từ trước.

“Với số tiền 550 đô/tháng/người, quy định trên là quá khắt khe”, Giao cho biết.

Sau 2 ngày chịu không nổi, Giao đành dọn ra ngoài trước sự hậm hực khó chịu của chủ nhà và số tiền 700 đô (kể cả tiền đặt cọc) cũng không được trả lại phần nào.

Trường hợp như Giao không phải là cá biệt, có nhiều bạn than thở về những bất tiện khi trọ học tại nhà của người bản xứ. Ngoài chuyện đến trường xa nhà, việc ở homestay đôi khi bất tiện vì chủ nhà không cho phép nấu các món ăn Việt Nam. Thy, SV một trường đại học ở Sydney cho biết, hễ nghe mùi nước mắm là bà chủ nhà chạy thục mạng, riết rồi không biết ăn bằng cách nào, chỉ biết pizza, hamburger hay các món ăn chế biến không gia vị.

Thuê nhà: Muôn nẻo gian truân

Đang trong mùa thi, Bảo – SV ĐH Latrobe, nhận được tin “sét đánh”: dọn ra khỏi nhà gấp trong vòng 5 ngày! Đưa tờ giấy thông báo dọn nhà, Bảo cho biết các bạn ở chung nhà giờ vừa chạy dáo dát tìm nhà vừa hối hả ôn thi. “Mà mùa này tìm nhà đâu phải dễ, vì ai cũng đang lo thi cử, ai rảnh mà dọn nhà cho mình thuê”, Bảo than thở.

Nhà trọ nằm ở vị trí thuận lợi, gần trường, ai cũng tưởng sẽ thuê được lâu dài, đùng một cái agent (trung tâm cho thuê địa ốc) phát thư đòi nhà gấp với lý do nhà đang xuống cấp, cần sửa chữa, mặc dù có hợp đồng hẳn hoi.

“Người ta thách mình đi kiện, người ta tìm đủ mọi cách đẩy mình ra, nào là nhà dơ, nấm mốc… Mình là SV, làm sao có thời gian mà kiện tụng, thế là vừa mất bond (tiền đặt cọc) vừa mất chỗ ở”, Bảo phân trần.

Thông thường, du học sinh tại Úc thuê nhà theo 4 hình thức: thuê trực tiếp từ người địa phương (kể cả Việt kiều), thuê lại của bạn bè, thuê toàn bộ căn nhà qua các agent và thuê từng phòng trong nhà cũng qua agent. Hình thức của Bảo là hình thức cuối cùng, đầy rủi ro. Rủi ro ở đây là khi các phòng không được lấp kín chỗ, agent sẽ chịu thiệt, khi đó họ sẽ tìm đủ mọi cách để đẩy người thuê ra ngoài đường, lấy lại nhà cho các nhóm khác thuê có lợi hơn.

Các hình thức khác cũng không kém phần gian truân. Thành, SV ĐH UTS ở Sydney, cho biết đầu tháng 8 vừa qua bạn lại phải dọn ra. “Ở đây rủi ro quá”, Thành kể.

Nhà Thành đang ở là được thuê qua agent dưới dạng nguyên căn, nằm biệt lập trong một khu apartment gần trung tâm. Thời gian gần đây nhóm đứng ra kí hợp đồng tự ý ngăn phòng khách chung cho người khác thuê để tiết kiệm chi phí, nhưng điều này lại trái với nguyên tắc hợp đồng ban đầu, và nếu agent phát hiện ra sẽ tịch thu tiền bond. Theo Thành, số tiền bond mà bạn bỏ ra ban đầu là 600 đô la Úc, và khả năng mất là rất cao, vì hàng xóm có ý nghi ngờ đã âm thầm báo cho agent biết tình trạng nhà này! Hơn nữa, “nếu mình không chủ động rút ra, đến khi nó đuổi thì chạy không kịp”, Thành nói.

Các trường hợp trên là thuê qua các agent, nhưng thuê qua người dân địa phương cũng không tránh khỏi rắc rối. Chỉ còn vài tuần nữa là kết thúc khóa học cao học tại Úc, nhưng Thảo, SV MBA Latrobe, vẫn còn thấy ngán ngẩm khi nhắc lại chuyện thuê nhà của mình. “Sợ lắm rồi” là câu cửa miệng mỗi khi kể về tình cảnh của mình.

Thảo kể, thời gian đầu, vợ chồng chủ nhà rất tốt, nhưng khi biết bạn sắp kết thúc khóa học thì tình hình xoay chuyển 180 độ. Ví dụ như đầu tháng về nước, nhưng vẫn phải đóng tiền nhà cho…cả tháng, đóng lại tiền vào mạng Internet và khuyến khích…dọn ra khỏi nhà nếu không đồng ý với các yêu cầu trên. “Họ đối xử với mình bạc bẽo hết sức, khi thấy không còn lợi nữa thì làm đủ mọi cách tống mình ra khỏi nhà để cho người khác vào một cách không thương tiếc”, Thảo bày tỏ.

Thuê nhà, cần tránh tâm lý ở trọ

Giơ tấm hình chụp chung với chủ nhà, Giang, SV ngành Quản trị nhân lực – ĐH Swinburne, khoe về những chuyến đi chơi với chủ. Giang cho biết chủ nhà cũng làm trong trường ĐH của bạn nên rất hiểu tâm lý SV. Giang được chủ nhà đối xử như con cái trong nhà. Nhiều khi trong giao tiếp, bà chủ còn sửa cả lỗi văn phạm cho Giang, nhờ vậy trình độ giao tiếp của bạn tăng lên thấy rõ.

Cũng may mắn như Giang, Huyền Trang được ông bà chủ nhà người Việt rất quan tâm, hôm nào đi học về muộn thì ông bà chủ đều đánh xe ra chở vào nhà, vì sợ bạn đi đường tối một mình nguy hiểm.

“Ở nhà thuê mà mình tưởng ở nhà mình ở Việt Nam, đi xa mà còn được cưng thì còn gì bằng”, Trang cười và khoe với tôi như vậy.

Khi được hỏi về chuyện thuê nhà, Thái Sơn, SV ngành Công nghệ thông tin ĐH Latrobe, cho rằng mình rất may mắn vì sang đến Úc là có ngay chỗ ở “ngon”. Nhóm bạn của Sơn cùng đứng tên thuê hẳn một căn nhà ở vị trí khá đẹp: cách trường 5 phút đi bộ. Nhà lại nằm ngay trạm xe điện và xe buýt nên rất thuận tiện khi đi chợ. Theo Sơn, hình thức thuê này là ổn định nhất, mọi người sống chung với nhau lâu nên cũng hiểu tính nhau, xem như anh em một nhà.

“Sống vui vẻ, hòa đồng nên cũng bớt cảm giác nhớ nhà, nhà này tụi mình thuê đã hơn 1 năm rồi, mấy lần nhân viên đến kiểm tra đều rất hài lòng, họ nói chỉ cần giữ sạch sẽ, gọn gàng thì thuê bao lâu cũng được”, Sơn nói.

Trường hợp của Sơn là trường hợp may mắn ở Melbourne. Vì để thuê được toàn bộ một căn nhà và ở ổn định như vậy, SV du học cần phải tìm cho được một nhóm bạn cùng ý chí với nhau, tin tưởng nhau, tránh tình trạng dọn ra dọn vào lộn xộn, làm xáo trộn cuộc sống của những người khác. Đó cũng là tiêu chí quan trọng để các agent xem xét có nên cho thuê hay không.

Nói về kinh nghiệm thuê nhà, bạn Long, SV Monash chia sẻ, thuê nhà nguyên căn có nghĩa là mình phải xem căn nhà đó là của mình, tránh tâm lý ở trọ. Ngoài việc chứng minh được số tiền có được trong bank account (tài khoản ngân hàng), SV khi thuê nhà phải có ý thức giữ gìn nhà cửa thì agent mới xem xét gia hạn cho thuê. Nhà thuê ở Úc không như ở trong nước, nếu người đi thuê làm nhà cửa xuống cấp thì agent có quyền lấy lại. Do đó, tìm được bạn cùng thuê có ý thức giữ gìn nhà cửa như mình không phải là điều đơn giản, Long kết luận.

Phạm Trần Khoa (Từ Melbourne, Úc)






     

    Hoặc liên hệ Hotline:

    • AMEC Hà Nội  (024)39411 891 – 39411890 – 39411892 hoặc 0914 863 466
    • AMEC Đà Nẵng    (02)36 396 7776 hoặc 0916 082 128
    • AMEC Hồ Chí Minh  (028) 6261 1177 – 6261 1188 – 6261 1199 hoặc 0909 171 388

    Facebook: https://www.facebook.com/toididuhoc



    Phản hồi

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    (*)

    Có thể bạn quan tâm:

    Tin du học nổi bật

    Tin du học Mới Nhất

    Đăng ký tư vấn miễn phí