Lãnh đạo Trung Quốc nhận thức được rằng các trường ĐH đang thiếu 2 yếu tố: kiến thức trong nhiều lĩnh vực và phương pháp giáo dục khuyến khích phản biện. Những khao khát chinh phục được thách thức thay đổi về phương pháp giảng dạy không dễ xuôi chèo mát mái khi mà trách nhiệm quản lý một trường đại học được chia ra cho hiệu trưởng và Bí thư Đảng ủy.
Tạo nhân lực tầm tầm bậc trung hay thiết kế lãnh đạo?
Các trường ĐH châu Á cũng giống như các trường ở châu Âu. Song, khác với các trường ĐHcủa Mỹ là chương trình đào tạo có tính chuyên biệt cao. Không giống như các trường ĐH ưu tú của châu Âu và Mỹ, phương pháp đào tạo của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tin tưởng nhiều vào học thuộc lòng. Cách học này chú trọng vào việc nắm bắt nội dung của bài giảng, chứ không tập trung phát triển khả năng suy nghĩ độc lập và có tính phản biện.
Phương pháp đào tạo truyền thống này của người châu Á có thể có hiệu quả cao trong việc đào tạo ra những kĩ sư chuẩn mực và đội ngũ nhân viên nhà nước có trình độ tầm tầm bậc trung, song không thích hợp trong việc tăng cường khả năng lãnh đạo và khả năng đổi mới cho các cử nhân sau này.
Trong khi các nhà chính trị Anh và Mỹ lo lắng các quốc gia châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, đang đào tạo nhiều kĩ sư và các nhà khoa học hơn các nước phương Tây thì người Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác đang lo ngại SV của họ thiếu tính độc lập và sáng tạo.
Họ sợ rằng tính chuyên biệt trong chương trình đạo tạo sẽ làm hạn hẹp khả năng của các cử nhân. Các viên chức của Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc đang ngày càng bị thu hút bởi phương pháp giáo dục ĐH của người Mỹ.
Đặc điểm điển hình của các trường ĐH Mỹ là dành cho SV 2 năm đầu để khám phá các môn học trước khi chọn một chuyên ngành để tập trung nghiên cứu trong 2 năm còn lại. Tính logic của phương pháp này là việc SVtiếp cận với nhiều môn học sẽ giúp họ có cái nhìn xa hơn về thế giới. Điều này chuẩn bị cho họ khả năng giải quyết các vấn đề mới, không được dự kiến trước.
Cũng giống như ở thế kỷ 19, khi triết lý về giáo dục tự do được giáo chủ John Henry Newman tuyên bố, yếu tố quan trọng nhất của một người được đào tạo tốt không phải là kiến thức chuyên sâu về một chuyên ngành nào đó mà là khả năng tiếp thu những thông tin mới và kĩ năng giải quyết vấn đề.
Báo cáo năm 1828 của đại học Yale – tài liệu có tầm ảnh hưởng do Jeremiah Day (hiệu trưởng đương thời của Yale lúc đó) viết, đã chỉ ra sự khác biệt giữa “phương pháp rèn luyện” và “sự trang bị” cho trí óc.
Nắm bắt được cái sườn của kiến thức chuyên ngành – nghĩa là đạt được “sự trang bị” – đó là một trong những giá trị mang tính lâu dài trong một thế giới có nhiều thay đổi nhanh chóng như hiện nay.
Còn đối với những SV có tham vọng trở thành lãnh đạo trong nhiều lĩnh vực thì cần phải có “phương pháp rèn luyện”. Đây là khả năng thích nghi với những hoàn cảnh luôn luôn thay đổi, đương đầu với các sự kiện mới và tìm ra những cách làm sáng tạo để giải quyết vấn đề.
Để trau dồi thói quen này, SV chủ động hơn trong việc tiếp nhận thông tin. Họ phải học cách suy nghĩ cho chính bản thân mình, xây dựng lên một luận cứ, sau đó bảo vệ hoặc sửa đổi dựa trên những thông tin mới hoặc đưa ra những phê bình có cơ sở.
Châu Á đang thay đổi theo kiểu Mỹ
Các trường ĐH châu Á đã có những sự thay đổi đáng kể hướng theo phương pháp đào tạo kiểu Mỹ.
ĐH Bắc Kinh đã giới thiệu một chương trình mang tên nhà giáo dục Yuanpei vào năm 2001. Đây là chương trình thử nghiệm tập trung nghiên cứu một nhóm SV có năng khiếu nhất được đặt trong điều kiện nghiên cứu tự do. Những SV này sống cùng nhau và được khám phá nhiều môn học trong 2 năm trước khi chọn một chuyên ngành để học chuyên sâu.
Ở ĐH Phúc Đán, SV đều được đào tạo một chương trình chung, có nhiều môn học trong năm đầu tiên trước khi bắt đầu nghiên cứu một chuyên ngành mà họ chọn. Ở ĐH Nam Kinh, SV không còn bị bắt buộc phải chọn một ngành học ngay khi họ đăng kí thi vào trường mà có thể chọn trong hơn 60 khóa học chung trong năm đầu tiên trước khi quyết định vào một chuyên ngành nào đó.
ĐH Yonsei của Hàn Quốc đã mở các trường nghiên cứu tự do trong khuôn viên của mình. ĐH Quốc gia Singapore có chương trình dành cho SV nhận được học bổng của trường để có thể tiến hành các nghiên cứu trên phạm vi rộng ngoài chuyên ngành.
Thay đổi phương pháp dạy khó hơn nhiều so với thay đổi chương trình giảng dạy. Sẽ tốn kém hơn trong việc giảm số SV trong một lớp học và cũng đòi hỏi các giảng viên phải tiếp thu những phương pháp dạy mới.
Trung Quốc vướng gì?
Đây là một thách thức lớn đối với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc – các quốc gia mà phương pháp giáo dục truyền thống của người châu Á đã chiếm ưu thế (với Ấn Độ và Singapore, sẽ ít phải lo lắng hơn nhiều bởi sự ảnh hưởng của nước Anh).
Đặc biệt là Trung Quốc – đang khao khát chinh phục được thách thức này. Họ nhận ra rằng, các giảng viên đã từng đi du học và được tiếp cận với những phương pháp giảng dạy mới được trang bị tốt nhất cho việc thay đổi cách giảng dạy.
Tuy nhiên, không dễ nhận được sự ủng hộ rộng khắp cho những thay đổi như thế này. Trách nhiệm quản lý một trường đại học được chia ra cho hiệu trưởng và Bí thư Đảng ủy của ngôi trường đó.
Thường thì, hai lãnh đạo này làm việc cùng nhau rất hiệu quả, song cơ cấu của việc đưa ra quyết định lại không tạo điều kiện thuận lợi cho hiệu trưởng thực hiện kế hoạch. Bởi vì việc bổ nhiệm những vị trí quan trọng như phó hiệu trưởng hay trưởng khoa đều do hội đồng giảng viên của trường quyết định, mà chủ tịch của hội đồng này lại là Bí thư Đảng ủy chứ không phải Hiệu trưởng nhà trường.
Chính phủ Trung Quốc đã nhận thấy cơ cấu bộ máy hoạt động trong các trường đại học của nước này đã gây ra nhiều khó khăn và vấn đề này đang được Bộ Giáo dục xem xét.
Theo Vietnamnet.vn
Hoặc liên hệ Hotline:
- AMEC Hà Nội (024)39411 891 – 39411890 – 39411892 hoặc 0914 863 466
- AMEC Đà Nẵng (02)36 396 7776 hoặc 0916 082 128
- AMEC Hồ Chí Minh (028) 6261 1177 – 6261 1188 – 6261 1199 hoặc 0909 171 388