Một đất nước có nền giáo dục phát triển và cũng là quốc gia với chi phí đắt đỏ bậc nhất thế giới.
Phòng trọ giá rẻ
Tại Nhật, mặc dù có ký túc xá dành cho sinh viên (SV), nhưng số lượng không nhiều nên có khoảng 70% số SV phải thuê nhà riêng để ở. Khi ký hợp đồng thuê nhà, theo tập quán người Nhật thì người đi thuê nhà phải trả một khoản tiền lễ – tức tiền mua quyền sử dụng đất cho chủ nhà, với số tiền bằng khoảng từ 1 – 6 tháng tiền nhà, tùy theo từng khu vực.
Bên cạnh đó là tiền đặt cọc, hoặc nếu bạn thuê nhà thông qua công ty môi giới bất động sản thì còn phải trả một khoản phí bằng 1 – 2 tháng tiền nhà. Tìm nhà thuê là việc không dễ, nhất là ở những thành phố lớn. Vì vậy, nếu có visa du học, bạn có thể dễ dàng hơn, tiết kiệm hơn trong việc này thông qua văn phòng nhà trường, hoặc Trung tâm hỗ trợ SV trong nước và quốc tế V&V … Một phòng trọ bình dân tại Tokyo, với diện tích chừng 9,6m2 và dùng chung nhà vệ sinh có giá thuê khoảng 40.000 yên/tháng (khoảng 5,6 triệu đồng). Thế nhưng, cũng căn phòng ấy nếu ở ngoại ô hoặc các khu vực địa phương thì có thể rẻ hơn nhiều, có khi chỉ bằng một nửa.
Làm thêm tối đa 28 giờ mỗi tuần
Làm thêm luôn được xem là một phần tất yếu nếu bạn muốn giảm gánh nặng chi phí cho gia đình, tích lũy kinh nghiệm và nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới. Vì vậy, ngay sau khi nhà trường và Phòng xuất nhập cảnh địa phương cho phép, bạn đã có thể bắt đầu công việc làm thêm ngay từ năm đầu tiên. Dù vậy, bạn phải đảm bảo thực hiện đúng các quy định như: không ảnh hưởng đến việc học, không làm tại các địa chỉ có thể gây ảnh hưởng xấu đến đạo đức du học sinh (DHS).
Tất nhiên việc làm thêm này không quá 28 giờ mỗi tuần với SV, 14 giờ/tuần với nghiên cứu sinh và mỗi ngày 4 giờ nếu bạn chỉ học tiếng Nhật. Có nhiều công việc để bạn lựa chọn: đưa đón trẻ, giao hàng, bán hàng, dạy ngoại ngữ, dọn vệ sinh, phụ việc quán ăn, phục vụ nhà hàng, thậm chí là làm phụ hồ…, với mức lương dao động từ 800 – 1.000 yên/giờ (khoảng 100 đến 140 ngàn đồng). Kinh nghiệm cho thấy sẽ không quá khó để có mức thu nhập cao nếu bạn tỏ ra là người thành thạo tiếng Nhật và tỉ mẩn trong công việc. Phòng phúc lợi của trường, trung tâm giới thiệu việc làm Hello Work… là những địa chỉ tìm việc khá quen thuộc của DHS ở đây.
|
Ước mơ được đi du học Nhật Bản bắt nguồn từ những giờ học thú vị. Ảnh: Lọ Mọ. |
Giảm chi phí y tế
Tại Nhật Bản hiện nay, chăm sóc y tế là một trong những ưu tiên hàng đầu trong đời sống của người dân và chi phí này là phần không thể thiếu trong ngân sách của cá nhân và gia đình. Và DHS cư trú tại Nhật Bản một năm hoặc dài hơn đều phải tham gia bảo hiểm y tế quốc gia, điều này là quy định và cũng là quyền lợi. Người tham gia phải trả từ 20 – 30% chi phí y tế cho bất cứ loại điều trị nào đã được bảo hiểm.
Chi phí cho phần không được bảo hiểm sẽ phải tự thanh toán. Thủ tục tham gia bảo hiểm được thực hiện ở các ủy ban hành chính thành phố hay thị trấn nơi bạn cư trú, tiền đóng bảo hiểm trả theo hàng tháng. Mỗi khu vực phí bảo hiểm không giống nhau, và những DHS không có nguồn thu nhập khi đang cư trú thì được giảm phí. Nếu thông qua AIEJ (hiệp hội GD Quốc tế Nhật Bản), bạn có thể được trả lại một phần phí y tế đã tự trả (tối đa 80%), trừ những loại bệnh không nằm trong bảo hiểm y tế quốc gia. Trong trường hợp này, DHS chỉ phải trả 6% chi phí khám chữa bệnh với mọi loại bệnh nằm trong phạm vi được bảo hiểm. Trường hợp khi SV khám bệnh ngoại trú, AIEJ sẽ thanh toán số tiền thuốc phát sinh.
Tận dụng đại hạ giá và miễn phí
Nhật Bản là quốc gia nổi tiếng đắt đỏ nhất thế giới, vì vậy, tận dụng những cơ hội mua hàng giảm giá sẽ là lựa chọn khôn ngoan cho túi tiền giới hạn của mình. Nếu ở Nhật một thời gian, bạn sẽ khám phá ra những địa điểm mua bán giá rẻ dành cho thanh niên. Nhật có nhiều cửa hàng có giá 100 yên, tiêu biểu là hãng Daiso với cả khoảng 2.000 tiệm khắp nơi với đủ các loại hàng hóa: thực phẩm, mỹ phẩm, văn phòng phẩm, thời trang… Hoặc bạn có thể mua sắm tại các cửa hàng đại hạ giá ở khu Harajuku ở Tokyo. Nhật cũng có những nơi sử dụng miễn phí internet dành cho SV, trong trường học hoặc những quán cà phê mà chỉ cần đăng ký thẻ hội viên. Tận dụng được món hàng này cũng là một cách giữ gìn “hầu bao” cho những ngày dùi mài kinh sử nơi đất khách.
Hoặc liên hệ Hotline:
- AMEC Hà Nội (024)39411 891 – 39411890 – 39411892 hoặc 0914 863 466
- AMEC Đà Nẵng (02)36 396 7776 hoặc 0916 082 128
- AMEC Hồ Chí Minh (028) 6261 1177 – 6261 1188 – 6261 1199 hoặc 0909 171 388