Rất nhiều HS, SV dù đã được các trường ĐH, CĐ Mỹ chấp nhận, vẫn không thể sang học vì không xin được visa du học Mỹ. Tại sao Mỹ lại khó khăn trong việc cấp visa cho người nước ngoài như vậy? Làm sao để hóa giải khó khăn này?
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Hồng Hạnh, đại diện phòng lãnh sự của đại sứ quán Mỹ để giúp bạn đọc tìm ra câu trả lời.
Xin bà cho biết, thủ tục để được phỏng vấn visa Mỹ đối với sinh viên Việt Nam?
Trước hết để xin visa sinh viên, thì công việc đầu tiên của các sinh viên là cần điền đầy đủ vào form I-20 (do các trường trung học, CĐ họăc ĐH Mỹ qui định) hoặc form DS-2019 (do các chương trình trao đổi học bổng gửi). Những form này thể hiện họ đã chấp nhận bạn vào học tại một trường ở Mỹ. Sau đó, các sinh viên tiến hành làm hộ chiếu tại địa phương mình đang cư trú, tập hợp lại các giấy tờ liên quan gồm các giấy tờ chứng minh về khả năng tài chính, quá trình học tập.
Với bộ hồ sơ đầy đủ này, nếu SV muốn phỏng vấn ở Hà Nội thì mang hồ sơ đó đến Ngân hàng Citibank (địa chỉ 17 Ngô Quyền, Hà Nội) trình và nộp 100 đô la Mỹ lệ phí xét đơn và lấy lịch hẹn phỏng vấn visa. Đây là lệ phí không hoàn lại, và nó cũng không đảm bảo là visa sẽ được cấp.
Ngoài việc nộp lệ phí phỏng vấn visa, sinh viên nước ngoài có phải đóng một khoản phí nào khác không?
Đối với sinh viên nước ngoài muốn học tại Mỹ thì ngoài lệ phí phỏng vấn visa, họ cần phải đóng thêm một khoản phí nữa gọi là phí SEVIS (Student and Exchange Visitor Information System). Ở đây có thể hiểu là mỗi một sinh viên đi học sẽ được cấp một cái SEVIS có số cụ thể và họ sẽ quản lý những viên này theo hệ thống mạng Internet (nó giống như chứng minh thư nhân dân của Việt Nam).
Cái SEVIS này sẽ theo suốt quá trình sinh viên học tại Mỹ. Và người Mỹ yêu cầu sinh viên phải nộp tiền cho việc quản lý sinh viên nước ngoài theo hệ thống này. Sinh viên có thể thanh toán khoản phí này bằng nhiều cách nhưng cách được coi là hữu dụng nhất là đăng ký trực tuyến qua Internet. Trên địa chỉ, bạn sẽ tìm thấy mẫu Form-901 và thực hiện thanh toán thông qua thẻ tín dụng.
Bà có thể cho biết, trong hồ sơ phỏng vấn visa, viên chức lãnh sự Mỹ (người trực tiếp phỏng vấn sinh viên) thường chú ý những yếu tố gì?
Thứ nhất, sinh viên đó đã được một trường ĐH Mỹ chấp nhận thông qua form I-20 hoặc DS-2019. Thứ hai, thông qua thực lực học tập của sinh viên thể hiện qua trình độ tiếng Anh, thể hiện qua bảng điểm học tập ở Việt Nam, kể cả giấy khen, bằng khen học sinh giỏi… Thứ ba là khả năng tài chính của gia đình. Không chỉ có trường hợp du học tự túc, mà cả các trường hợp du học bằng học bổng toàn phần hay bán phần, người ta cũng đều xem xét đến điều kiện kinh tế của gia đình sinh viên đang xin visa.
Thực tế, tỷ lệ sinh viên sau khi phỏng vấn bị từ chối cấp visa Mỹ là rất lớn. Xin bà cho biết lý do.
Một trong những nội dung đáng chú ý được thể hiện trong bộ luật Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ nói rằng: “Vào thời điểm xin cấp visa, mỗi ngoại kiều (đương đơn xin visa) sẽ được coi như có ý định nhập cư cho đến khi người đó chứng minh cho viên chức lãnh sự tin rằng anh/cô ta có đủ điều kiện để được cấp visa không định cư…”
Điều này có nghĩa là viên chức lãnh sự, theo tinh thần của điều luật, luôn xem đương đơn như đang có ý định định cư tại Hoa Kỳ vĩnh viễn cho đến khi nào đương đơn chứng minh đựơc điều ngược lại. Đương đơn (mà trong trường hợp này là sinh viên đi du học Mỹ) có thể đưa ra bằng chứng dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng khi tổng hợp lại, chúng phải đủ mạnh mẽ để viên chức lãnh sự kết luận rằng, hoàn cảnh chung của đương đơn, bao gồm các mối ràng buộc xã hội, gia đình, kinh tế và sự ràng buộc khác ở xã hội Việt Nam. Đương đơn nên chuẩn bị sẵn sàng để trình bày hoàn cảnh của mình thật rõ ràng và chính xác.
Đối với sinh viên đang xin visa, viên chức lãnh sự thường hay hỏi về kế hoạch tương lai của họ. Viên chức đánh giá cao những người có kế hoạch nghiêm túc và cụ thể về tương lai của mình, trong đó có việc giải quyết đầu ra sau khi học xong tại Mỹ. Họ cũng sẽ thường đặt câu hỏi cho các sinh viên xin cấp visa như: tại sao chọn du học ở Mỹ mà lại không chọn một nước khác? Tại sao anh/chị chọn ngành này mà không phải là một ngành khác? Thế học ngành này sau thì dự kiến sẽ làm gì?…
Nhưng xin lưu ý là để trả lời những câu hỏi này và chứng minh một cách thuyết phục cho viên chức lãnh sự Mỹ tin là sinh viên đó không có ý định ở lại Mỹ thì không phải là dễ. Chính vì thế, đã có rất nhiều sinh viên đã thất bại trong việc xin cấp visa đi du học Mỹ.
Vậy bà có lời khuyên gì đối với các sinh viên đi phỏng vấn visa?
Đó là các bạn hãy chuẩn bị và đọc cẩn thận các tài liệu liên quan trước khi đi phỏng vấn.
Xin cảm ơn bà!
(Theo Dân Trí Online)
Hoặc liên hệ Hotline:
- AMEC Hà Nội (024)39411 891 – 39411890 – 39411892 hoặc 0914 863 466
- AMEC Đà Nẵng (02)36 396 7776 hoặc 0916 082 128
- AMEC Hồ Chí Minh (028) 6261 1177 – 6261 1188 – 6261 1199 hoặc 0909 171 388