Bài giảng từng là một bí mật ở 250 trường đại học trên thế giới, trong đó có 15 trường đại học Việt Nam, nay đã công khai trên mạng Internet. Liệu tác giả bài giảng có bị “lỗ” khi bất kỳ ai cũng có thể “copy”? Ung dung ngồi nhà biết hết nội dung giảng dạy của một khóa học ưa thích, bạn có cần thiết phải bỏ nhiều tiền đi học đại học?
Các trường không sợ lỗ!
Một chiếc máy tính ở trường đại học Utah (Mỹ) chứa các bài giảng, bài thi, tư liệu giảng dạy của hơn 80 khóa học của trường đại học này không ngăn cản bất kỳ ai muốn truy cập vào đây để tải về miễn phí. Trang web Học liệu mở của Utah: http://ocw.usu.edu là một phần của hệ thống Học liệu mở toàn cầu (http://www.ocwconsortium.org) có mục tiêu cung cấp các bài giảng miễn phí cho cả thế giới tham khảo.
Trang web của Hiệp hội học liệu mở toàn cầu |
Câu chuyện kỳ diệu này bắt đầu từ năm 2000, Học viện kỹ thuật Massachusetts (MIT) mở trang web đưa toàn bộ giáo trình giảng dạy lên mạng cho mọi người tham khảo miễn phí (http://ocw.mit.edu). Sau đó hàng loạt các trường danh tiếng như Harvard và Stanford của Mỹ, Oxford và Cambridge ở Vương quốc Anh cũng công khai những tài liệu giáo dục, video bài giảng của các giáo sư danh tiếng qua iTunes U, trang web youtube.com/edu. Trường đại học Yale cũng cung cấp tài liệu giảng dạy của các khóa học do các giáo sư nổi tiếng của trường đảm trách với mục đích: mở rộng cánh cửa tri thức đại học cho bất kỳ ai muốn học.
Hiệp hội học liệu mở thế giới (OCWC)(http://www.ocwconsortium.org) lấy ý tưởng từ dự án của MIT để kêu gọi các trường tham gia vào phong trào chia sẻ giáo trình đại học nay đã bao gồm 250 trường đại học, tổ chức tham gia. Vào trang web này bạn có thể tìm thấy hơn 13.000 khóa học bằng 20 ngôn ngữ khác nhau.
Một vấn đề đặt ra là liệu các trường đại học, các giáo sư có bị thiệt hại chất xám và tiền bạc khi công khai các bài giảng lên mạng?
Hàng năm, trường đại học Utah chi 125.000 đô la trong ngân sách 226 triệu đô la cho chương trình học liệu mở. Kết quả là năm ngoái, trang web học liệu mở sau 4 năm kể từ khi thành lập đã thu hút 550.000 lượt xem, đưa trang này trở thành một trong những trang web nổi tiếng nhất nước Mỹ.
James D. Yager, trường đại học Johns Hopkins (Mỹ) phân tích: Bài giảng không phải là toàn bộ hoạt động của trường đại học. Trang web học liệu mở của chúng tôi chỉ cung cấp nội dung của khóa học chứ không phải là cho không cả khóa học. Sinh viên mất tiền đến trường học là vì họ muốn tương tác với khoa, với giảng viên, với bạn bè, những thứ này không thể có được trên trang web học liệu mở.
Học liệu mở chỉ cung cấp nội dung khóa học, ông khẳng định. Hơn nữa, học liệu mở không tạo ra tín chỉ và bằng cấp cho người học.
Một nghiên cứu của Justin K. Johansen xuất bản trên trang web của trường đại học Brigham Young cho thấy 358 người trong số 14.000 người xem trang web học liệu mở của trường cuối cùng đã đăng ký khóa học ở Brigham Young.
Tuy nhiên, người ta cho rằng, chính là chất lượng của bài giảng, tài liệu sẽ quyết định lượng người truy cập, chứ không phải là thương hiệu của trường. Google sẽ nhận ra điều đó.
Số lượng người truy cập nhiều, tiếng tăm là những cơ hội thuận lợi đối với các dự án học liệu mở. Để vận hành trang web học liệu mở của MIT, mỗi năm trường này mất 3,6 triệu đô la. Ông Carson, Giám đốc đối ngoại của MIT cho biết: chúng tôi đưa thông tin ra ngoài vì lợi ích cộng đồng, và những cái chúng tôi thu được từ sự huy động tài trợ cũng tương xứng. Sự tăng trưởng về tài trợ đạt 70% trong những năm gần đây.
Đại diện quỹ tài trợ Hewlett Foundation, quỹ tham gia tích cực trong nhiều dự án Học liệu mở cho biết: việc chia sẻ bài giảng, tài liệu miễn phí còn là một động lực phát triển cho các trường đại học. Không ai muốn đem cái dở của mình ra khoe cả. Đó chính là sức mạnh của học liệu mở.
Học liệu mở ở Việt Nam- giảng viên lo thiệt hại!
Trang web Chương trình học liệu mở Việt Nam (www.vocw.edu.vn) chính thức khai trương ngày 12/12/2007. Con số 15 trường đại học tham gia cho thấy nhiều trường đại học, giảng viên chưa tìm ra được ích lợi của mình khi công khai các bài giảng lên mạng.
Ông Trần Thanh Điện, một đại diện của trường đại học Cần Thơ trong Hội nghị toàn cầu về học liệu mở tổ chức tại Hà Nội ngày 5-7/5/2010 vừa qua cho biết một trong những nguyên nhân khiến Chương trình học liệu mở Việt Nam chưa phát triển rộng rãi là tâm lý e dè khi chia sẻ lên mạng các bài giảng tốn rất nhiều công biên soạn của các giảng viên đại học. Sự không tuân thủ bản quyền của người sử dụng do không hiểu hết luật bản quyền khiến cho bài giảng có thể bị sử dụng bừa bãi.
Nhận diện giấy phép CC. |
Chính vì vậy, cũng trong khuôn khổ Hội nghị toàn cầu về học liệu mở toàn cầu vừa qua, Giấy phép Cộng đồng sáng tạo phiên bản tiếng Việt (viết tắt là giấy phép CC) đã chính thức khai trương ngày 7/5/2010. Theo đó, giấy phép này sẽ cho phép các tác giả, nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà giáo dục có thể trao quyền cho người sử dụng tác phẩm của mình theo các mức độ khác nhau. Giấy phép CC cho phép tác giả vẫn nắm giữ quyền tác giả đối với tác phẩm trong khi cho phép công chúng sử dụng tác phẩm ở một mức độ nhất định.
Có 6 mức độ về quyền sử dụng: 1. Chỉ Ghi công; 2. Ghi công + Phi thương mại; 3. Ghi công + Không phái sinh; 4. Ghi công + Chia sẻ tương tự; 5. Ghi công + Phi thương mại + Không phái sinh; 6. Ghi công + Phi thương mại + Chia sẻ tương tự.
Như vậy mức độ cao nhất về trao quyền cho người sử dụng là người sử dụng có thể dùng bài giảng, tài liệu học liệu mở cho bất kỳ mục đích nào, miễn là có ghi tên tác giả. Mức độ thấp nhất về trao quyền là người sử dụng không được dùng vào mục đích thương mại.
Nếu vào trang web của Hiệp hội Học liệu mở toàn cầu hay Hiệp hội Học liệu mở Việt Nam, có thể thấy những bài giảng ở đây đã đăng ký giấy phép CC.
Hy vọng rằng, việc giấy phép CC chính thức có hiệu lực ở Việt Nam, sẽ ngày càng nhiều trường đại học tham gia chia sẻ bài giảng lên mạng. Tuy nhiên, để Hiệp hội Học liệu mở Việt Nam phát triển hơn nữa thì rất cần thiết có những dự án hỗ trợ kinh phí đưa các bài giảng lên mạng như xu hướng của thế giới đang làm.
Theo Vietnamnet.vn
Hoặc liên hệ Hotline:
- AMEC Hà Nội (024)39411 891 – 39411890 – 39411892 hoặc 0914 863 466
- AMEC Đà Nẵng (02)36 396 7776 hoặc 0916 082 128
- AMEC Hồ Chí Minh (028) 6261 1177 – 6261 1188 – 6261 1199 hoặc 0909 171 388