Du học nhằm tìm kiếm môi trường cho con em tiếp cận kiến thức, khoa học hiện đại, thích nghi với nền văn hóa mới và rèn kỹ năng sống theo phong cách công dân toàn cầu.
Trẻ du học phải chấp nhận những va chạm lớn về văn hóa, tập quán, lối sống và trước hết là ngôn ngữ. Gia đình cần chuẩn bị kỹ cho con mình du học. Không nên du học bằng mọi giá là lời khuyên mà các chuyên viên tư vấn du học đưa ra.
Khi đến với chúng tôi, dù là gửi con du học tại Úc, Mỹ, Canada, Anh, Singapore, New Zealand hay Thụy Sĩ, các bậc cha mẹ Việt Nam đều mong muốn con em mình có một tương lai tốt đẹp hơn.
Không nên xem là lánh nạn
Tuy nhiên cũng có những trường hợp phụ huynh cảm thấy rất lúng túng, thấy con học tập trong nước ở một ngôi trường đông học sinh, phức tạp mà cả gia đình và nhà trường đều không quản lý nổi, học sinh bị bạn bè lôi kéo tham gia vào các băng nhóm, không lo học hành. Đặc biệt đối với những học sinh có cá tính, phương pháp giáo dục áp đặt, bắt buộc khiến các em càng nhanh chóng xa rời nhà trường và gia đình.
Trong những trường hợp đó, nhiều phụ huynh nghĩ đến du học như một giải pháp chuyển đổi môi trường nhằm tránh xa bạn bè xấu, tạo điều kiện cho học sinh làm lại từ đầu. Thật sự đây cũng là giải pháp tình thế, tỉ lệ thành công khoảng 70%. Có nhiều trường hợp sau khi đổi môi trường, học sinh thật sự trở nên thích thú với việc học và biết quý trọng tình cảm gia đình, gắn bó với cha mẹ, đồng thời có thể phát huy những thế mạnh riêng của bản thân trong việc học. Nhưng cũng có những trường hợp học sinh tiếp tục sa đà ăn chơi, tiêu phí tiền bạc của cha mẹ, kết quả là ngừng việc học quay về nước, không có bằng cấp và gây tổn thất tài chính khá lớn cho gia đình.
Phải định hướng dài hơi
Việc du học có thành công hay không phụ thuộc vào ba yếu tố: Năng lực học tập, tư chất của học sinh và khả năng tài chính của gia đình. Năng lực học tập (A) gồm khả năng tiếp thu và học tốt các môn khoa học và xã hội, đặc biệt là toán và tiếng Anh. Tư chất của học sinh (B) gồm ý thức, kỹ năng sống và học tập độc lập, tự chịu trách nhiệm, kỹ năng giao tiếp xã hội và làm việc trong một tập thể, khả năng chịu áp lực và tự động viên, mối liên kết gắn bó với gia đình và bạn bè… Khả năng tài chính (C) là tính thanh khoản của nguồn tài chính trong ngắn hạn lẫn dài hạn.
Nhóm học sinh có nền tảng tốt về cả A, B lẫn C, hoặc chỉ tốt A và C, hoặc chỉ tốt B và C đều có thể thành công khi đi du học. Riêng nhóm học sinh không tốt cả A, B lẫn C, hoặc tốt A, B mà C không tốt là nhóm có nguy cơ cao về thất bại khi đi học ở nước ngoài.
Tôi tin rằng định hướng du học là một quá trình dài, đòi hỏi sự đầu tư học tập, tài chính và rèn luyện kỹ năng sống cho con em. Quá trình này lý tưởng nhất là bắt đầu từ khi các em học tiểu học. Sau 7-8 năm theo sát con em và chuẩn bị tài chính, gia đình mới có thể rút ra được kết luận là các điều kiện du học đã chín muồi chưa và chọn lựa chương trình học nào, ở quốc gia nào là phù hợp nhất với các yếu tố A, B và C của con em mình. Không nên đi du học theo phong trào, hoặc thấy bạn bè, thân nhân cho con em đi học ở đâu thì mình gửi đi ở đó vì mỗi gia đình và mỗi cá nhân học sinh đều có đặc điểm, hoàn cảnh riêng.
Du học sinh cần đọc nhiều tài liệu, tham khảo những người từng đi du học – hiện tại có nhiều câu lạc bộ cựu du học sinh tại Việt Nam có thể giúp đỡ du học sinh, tham khảo thông tin tại các trung tâm tư vấn du học uy tín… để rút ra những kinh nghiệm cho bản thân và rèn luyện việc học cũng như kỹ năng sống ngay từ bây giờ. Việc kết thân với bạn bè là những người đang học tập ở nước ngoài sẽ giúp bạn vượt qua lúc khó khăn hay bế tắc.
Cha mẹ cũng cần giữ mối liên hệ thường xuyên với du học sinh. Không chỉ chu cấp tiền bạc, phụ huynh nên dành thời gian cho các em tâm sự và giúp các em giải tỏa khó khăn. Phụ huynh nên sang thăm con trong quá trình du học để hiểu rõ tình hình và động viên con kịp thời.
Bà NGUYỄN HỒNG HÀ, Giám đốc Trung tâm Giáo dục quốc tế StudyLink International, ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu du học sinh Úc tại TP.HCM
Hoặc liên hệ Hotline:
- AMEC Hà Nội (024)39411 891 – 39411890 – 39411892 hoặc 0914 863 466
- AMEC Đà Nẵng (02)36 396 7776 hoặc 0916 082 128
- AMEC Hồ Chí Minh (028) 6261 1177 – 6261 1188 – 6261 1199 hoặc 0909 171 388