Thực tế đã chứng minh, ngoài Nhật Bản và Singapore, Malaysia là điểm đến ưu việt nhất của các trường ĐH quốc tế ở Anh, Úc, Mỹ… Vậy nên teen nào còn “kỳ thị” vào nền giáo dục của quốc gia này thì hãy nhanh chóng quên ngay đi nhé.
Bạn sẽ bất ngờ với sự chênh lệch về sinh hoạt phí ở Malaysia. Tiền tệ của Malaysia là đồng Ringgit (RM).
Sinh viên sang đây đa số sẽ được ở trong KTX, điều kiện rất tuyệt vời để cùng chia sẻ với các sinh viên quốc tế khác. Lâm Oanh (SV ĐH Nottingham) chia sẻ: “Một số KTX còn có cả phòng ăn hoành tráng như khách sạn 5 sao, lại có cả bể bơi, tuyệt vời lắm”.
Tuy nhiên, ở KTX thì chia làm 2 khu nam nữ rất rõ ràng và rất… xa. Cần lưu ý là do quy định của Malaysia không cho nam nữ có những hành động quá thân mật ở nơi công cộng trước hôn nhân, nên teen nào bạo dạn quá là có nguy cơ “làm việc với chính quyền” đấy nhé.
Còn rắc rối hơn nếu bạn phải ở nhà thuê, vì Malaysia là đất nước Hồi giáo, có những phong tục bạn phải tuân theo khá khắt khe, nên chúng tớ khuyên bạn hãy suy xét thật kỹ nếu có ý định thuê nhà. Giá cả phòng ở Malaysia rất mềm, chỉ tầm từ 150-200 USD/tháng thôi.
Vấn đề ăn uống, mua sắm thế nào nhỉ
Nếu bạn là tín đồ của thịt heo và đồ uống có cồn thì nên cân nhắc trước khi đến Malaysia nhé. Ở đây những món đó bị cấm và hạn chế đấy teen ạ.
Món ăn ở Malaysia thì cũng tùy khẩu vị mỗi người, nhưng theo nhận định chung của du học sinh Việt Nam là… hơi khó nhằn, cho nên các bạn thường đi chợ, mua sắm, nấu ăn và thay các loại thịt khác cho thịt heo đã bị cấm.
Về mua sắm thì có 3 kiểu chính cho teen lựa chọn. 2 loại được ưu tiên là China town, khu chợ tàu, y hệt kiểu bài trí chợ Việt Nam nên bạn nào khoái tỉ vụ trả giá thì nên lao vào mà trả giá bằng… máy tính cá nhân (calculator) ấy các bạn ạ. Nguyên (18 tuổi) nói: “Vì chủ yếu người bán hàng không biết tiếng Anh nên các bạn cứ trả giá bằng cách bấm trên calculator, khi nào thấy mặt người bán hàng hớn hở gật gật là biết… mình trả hớ. Đi hoài nên dần dần tớ cũng hết bị hớ rồi”.
Kiểu thứ 2 là ở siêu thị, để tránh tình trạng xô bồ như khu chợ tàu, nhiều bạn chọn siêu thị Sogo để mua sắm, siêu thị ở đây cũng “lộn xộn” và thích chen lấn không kém gì ở Việt Nam, nhưng giá cũng tạm gọi là được, phong cách chuyên nghiệp hơn, nhưng các bạn lưu ý phải luôn tỉnh táo để… trả giá nhé. Một số cửa hàng không có giá niêm yết đâu.
Kiểu thứ 3 thì mua sắm cao cấp ở các khu trung tâm thương mại như dưới chân tòa tháp đôi Petronas. Nếu biết lựa mùa sale off mà đi các bạn hoàn toàn có thể săn 1 cái áo hiệu Hermes với giá dưới 10 RM. Choáng chưa?
Vấn đề đi lại ở Malaysia
Giao thông ở Malaysia khá thông thoáng, nhất là ở thủ đô Kuala Lumpur, được mệnh danh là “thành phố vườn”, rợp dưới bóng cây. Hệ thống bus dày đặc, có thể đưa sinh viên học sinh tới đa số địa điểm. Thường hệ thống giao thông công cộng được trang trí màu sắc rất rực rỡ.
Đặc biệt, nhiều teen mới sang rất thú vị với Monorail vì nó chạy vòng quanh nội thành với màu sắc và hình thù khá ngộ nghĩnh.
Nam (18 tuổi) chia sẻ: “Giá bus thì cũng ngang ngửa với bus ở Việt Nam, 80 km thì tầm 3RM (13.000VND). Taxi thì càng rẻ nữa. Ở đây người ta sử dụng gas cho các phương tiện công cộng, giá rất rẻ nếu so với đi xe máy ở VN. Thật ra ở đây chủ yếu người ta đi ôtô, chuyện sở hữu 1 chiếc ô tô giống như sở hữu 1 chiếc xe máy ở Việt Nam vậy. Còn xe máy thì chủ yếu các cô chú dân lao động mới đi”.
Địa điểm vui chơi ở Malaysia
Đến với Malaysia, tất nhiên bạn không thể bỏ qua tòa tháp đôi Petronas sừng sững và đừng quên đi vào các mall ở chân tháp để mua sắm “tẹt ga”. Các khu vui chơi ở Malaysia khá đông đúc rộng rãi và rất đẹp, nhưng cuốn hút nhất chính là ẩm thực ở các chợ đêm.
Theo: Kenh14